Đó là kết quả của 5 năm triển khai mô hình “Trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế” ở TPHCM.
Thông tin trên do ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết tại hội thảo Tổng kết và lấy ý kiến Dự thảo Quyết định về mô hình
“Trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ngày 18/5. Trong đó, có 16 trường mầm non (4.915 học sinh), 13 trường tiểu học (9.273 học sinh), 8 trường THCS (6.000 học sinh), 3 trường THPT (4.049 học sinh). Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 10 trường ở các quận, huyện, TP Thủ Đức đăng ký triển khai mô hình này trong thời gian tới.
Đây đều là những cơ sở giáo dục khang trang, sạch đẹp, được đầu tư đầy đủ các phòng chức năng như phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ cùng các trang thiết bị hiện đại, như màn hình LCD, bảng tương tác, máy tính kết nối internet,… Nhiều trường được đầu tư phòng tập đa năng, thư viện sạch đẹp, thoáng mát, tiện nghi…
Ở cấp mầm non, trẻ được làm quen với tiếng Anh, giáo dục theo các phương pháp tiên tiến như Montertori, STEM, STEAM…; tham gia các hoạt động vận động ngoài trời, thể dục thể thao, giáo dục kĩ năng mềm, giới tính, bơi lội, năng khiếu,... Đối với cấp phổ thông, có các chương trình dạy tiếng Anh – Tin học theo định hướng chuẩn quốc tế, giáo dục STEM – STEAM, AI, dạy – học và kiểm tra – đánh giá trực tuyến, các câu lạc bộ năng khiếu, nghiên cứu khoa học, phổ cập bơi lội, các hoạt động trải nghiệm, giáo dục ngoài nhà trường,…
Ngoài ra, sĩ số chỉ có 30 học sinh/lớp, tạo điều kiện thuận lợi để thầy cô sâu sát, quan tâm, triển khai thành công những phương pháp dạy học tích cực, đúng định hướng dạy học cá thể.
Theo ông Sơn, các trường tiên tiến thực sự đã trở thành những đầu tàu kéo chất lượng giáo dục của từng địa phương phát triển.
Ông Sơn cho biết, nhu cầu mở rộng, triển khai thêm trường tiên tiến ngày càng cao, nhưng sĩ số học sinh/lớp là rào cản chính đối với các địa phương. Chỉ tiêu mỗi địa phương (quận, huyện) có ít nhất mỗi cấp học 1 trường tiên tiến chưa thể đạt được. Ngoài ra, mức thu 1,5 triệu đồng/tháng được phê duyệt từ năm 2015 đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập. Một phần do vật giá tăng, phần lớn đến từ những yêu cầu ngày càng cao đối với các hoạt động giáo dục (dạy – học tiếng Anh với người bản xử, học tiếng Anh - Tin học theo các chuẩn quốc tế, các hoạt động trải nghiệm, ngoại khó, giáo dục ngoài nhà trường, giáo dục STEM – STEAM, học sinh nghiên cứu khoa học,…).
Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất UBND TPHCM cho phép điều chỉnh sĩ số học sinh/lớp nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng. Theo đó, bậc mầm non sẽ nâng từ mức 25 lên 30 trẻ/lớp, tiểu học từ 30 lên 35 học sinh/lớp, THCS - THPT lên 40 học sinh/lớp.