Nghiên cứu khoa học và bảo hộ nhãn hiệu đã giúp nâng cao giá trị cho lê Đông Khê, một đặc sản nổi tiếng, được ưa chuộng của tỉnh Cao Bằng.
Bình tuyển giống Lê vàng ưu tú phục vụ công tác nhân giống và bảo tồn nguồn gene.
Lê là đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng, được trồng chủ yếu ở các huyện Thạch An, Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng. Đặc biệt trong số đó, Lê Đông Khê thơm ngon, ít cát, giòn, nổi tiếng với vị ngọt thơm đặc trưng được nhiều người ưa chuộng và lọt top 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn. Tuy nhiên canh tác lê ở Cao Bằng chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, năng suất thấp, thu nhập từ cây lê chưa cao, thị trường tiêu thụ không ổn định.
Với mong muốn bảo tồn và từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng của sản phẩm lê Cao Bằng, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng nhiều đề tài, dự án nghiên cứu cây lê như: Dự án “Phục tráng, bảo tồn và phát triển cây lê huyện Trà Lĩnh”; Dự án “Xây dựng vườn gen, vườn ươm cây ăn quả có giá trị kinh tế cao: cam, quýt, mác mật, lê, hạt dẻ tại Cao Bằng”; Dự án “Tuyển chọn phục tráng và xây dựng vườn gen một số cây ăn quả đặc sản địa phương: mác mật, lê, hạt dẻ, cam, quýt”…
Đặc biệt, để tập trung vào nghiên cứu hạn chế nguy cơ thoái hóa và mai một nguồn gene quý của lê Đông Khê, từ năm 2014 đến 2017, Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng đã ký hợp đồng nghiên cứu với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm thực hiện đề tài “Khai thác và sử dụng nguồn gene lê Đông Khê, lê Bảo Lạc, lê Nguyên Bình”. Đề tài đã tiến hành điều tra, tuyển chọn được 15 cây lê vàng ưu tú để phục vụ cho công tác nhân giống mở rộng diện tích; hoàn thiện quy trình kỹ thuật ghép cải tạo lê; hoàn thiện Quy trình kỹ thuật thâm canh, cắt tỉa quanh năm kết hợp vin cành để cho hiệu quả cao nhất; xây dựng được mô hình thâm canh tổng hợp cây lê tại 3 huyện với diện tích 04 ha; xây dựng được 5ha mô hình trồng mới cho lê.
Song song với nghiên cứu nâng cao chất lượng, sản lượng lê, để bảo vệ danh tiếng, thúc đẩy quảng bá và thương mại sản phẩm, từ năm 2018, Trung tâm Phát triển nông thôn đã chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận ‘Đông Khê’ cho sản phẩm quả lê Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng”, đến nay sản phẩm quả lê tươi được sản xuất từ giống lê vàng Đông Khê đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 350644 theo Quyết định số 33177/QĐ-SHTT, ngày 15/5/2020; nhãn hiệu do Phòng Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Thạch An là chủ sở hữu.
Nhãn hiệu chứng nhận LÊ ĐÔNG KHÊ DONG KHE PEAR, HÌNH được bảo hộ tổng thể, có màu xanh lá cây, nâu vàng và trắng. Nhãn hiệu được dùng cho sản phẩm quả lê tươi được sản xuất từ giống lê vàng Đông Khê trồng tại thị trấn Đông Khê và 10 xã của huyện Thạch An.
Để khai thác giá trị thương mại của nhãn hiệu chứng nhận lê Đông Khê và khẳng định giá trị của sản phẩm trên thị trường, cần phát triển ở quy mô sản xuất hàng hóa, từ năm 2019, Công ty TNHH Đông Khê đã triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất lê vàng Đông Khê cho năng suất, chất lượng cao, quy mô hàng hóa trên đất dốc tỉnh Cao Bằng” (dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025). Đến nay, dự án đã khảo sát vùng thực hiện dự án tại xã Lê Lợi huyện Thạch An; tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình nhân giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản; xây dựng mô hình vườn cây mẹ áp dụng công nghệ nhân nhanh mắt ghép quy mô 200 cây; xây dựng mô hình vườn ươm cây giống, quy mô sản xuất 20.000 cây/năm; quy hoạch thiết kế diện tích trồng mới lê vàng Đông Khê ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên đất dốc.
Bên cạnh đó, để bảo tồn, phát triển và mở rộng diện tích giống cây trồng này, từ năm 2018, huyện Thạch An đã triển khai thực hiện đề án phát triển bền vững cây lê vàng Đông Khê chất lượng cao trên địa bàn huyện nhằm tận dụng tối đa quỹ đất đồi chưa sử dụng và đất vườn tạp, đến nay huyện đã trồng được trên 18.000 cây tại thị trấn Đông Khê và các xã Lê Lai, Đức Xuân, Lê Lợi, Đức Long. Kết quả của đề án sẽ góp phần nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững ổn định cho người dân, duy trì được loại cây ăn quả đặc sản của địa phương.
Hy vọng, với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, sự đồng tình ủng hộ của người dân, sản phẩm lê Đông Khê sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt và là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương, có thế mạnh và tiềm năng cạnh tranh trong nền nông nghiệp của tỉnh góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Thành công từ những đề án, dự án phát triển cây lê sẽ góp phần hiện thực hóa trong thực hiện Đề án Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn năm 2030.