Điên điển là loại cây thuộc họ Đậu (Fabaceae). Bông điên điển được xem là một loại rau đại diện cho ẩm thực ở miền đồng bằng Nam Bộ của Việt Nam. Người ta sử dụng nó làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi trộn thịt gà…

Điên điển (điền thanh thân tía, điền thanh bụi) có tên khoa học là Sesbania sesban. Đây là loài cây thuộc họ Đậu (Fabaceae). Là loài cây hoang dã nên nó dễ thích nghi với môi trường, có sức cạnh tranh mãnh liệt với sâu bệnh và các cây cỏ khác. Người ta sử dụng hoa của nó làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi trộn thịt gà…


Cây điên điển còn có tác dụng cải tạo đất khi sử dụng làm phân xanh, do rễ của nó cũng giống như rễ của các loài cây thuộc họ Đậu khác, có các vi khuẩn nốt sần cố định đạm sống cộng sinh.


Cây điên điển trưởng thành đạt chiều cao từ 4 - 5m; chiều rộng tán cây từ 2 - 3m; rễ ăn sâu khoảng 60 -70cm. Trọng lượng một cây nếu điều kiện dinh dưỡng tốt đạt tới 20 kg. Sau một vụ trồng từ 4-5 tháng thì từ 1 ha có thể thu được khoảng 60 - 70 tấn chất hữu cơ, lượng đạm thu được từ khí trời khoảng 100kg nitơ. Theo Buckman và Brady năm 1984 (Các thuộc tính tự nhiên của đất) thì 1 ha trồng cây điên điển tại Bangladesh có thể thu tới 524kg nitơ có thể sử dụng được cho các loại cây khác.

Lẩu cá linh bông điên điển. Ảnh minh họa.
Lẩu cá linh bông điên điển. Ảnh minh họa.

Mỗi ha gieo khoảng 40kg giống. Hạt giống sau khi thu hoạch phải có thời gian nghỉ tối thiểu là 1 tháng mới đạt tỷ lệ nảy mầm cao. Để giúp cây thu đạm từ khí trời tốt hơn, người ta dùng rễ cây tươi đập ra bỏ vào nước ngâm hạt để cấy vi khuẩn nốt sần cố định đạm (chi Rhizobium họ Rhizobiaceae). Hạt ngâm bằng nước 2 sôi 3 lạnh khoảng 20 giờ rồi đem gieo.

Đất được cày trục, ngâm nước ngập luống cày. Sau khi gieo xong, rút khô nước ruộng. Nửa tháng sau khi trồng, bón khoảng 20 kg phân urê/ha. Sau đó không cần bón thêm gì.

Hoa điên điển (miền Nam Việt Nam gọi là "bông") thường được người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ... sử dụng làm các món ăn như ăn sống, nhúng lẩu chua cá linh hay lẩu mắm kho, làm dưa chua (thường kết hợp với giá đỗ), ăn kèm bún mắm hoặc bún nước lèo, làm gỏi với tép đồng...