Mới mở cửa năm 2000, nhưng số người đến Bảo tàng Khoa học quốc gia Thái Lan mỗi năm đã bằng 1/3 lượng khách đến Bảo tàng Louvre của Pháp. Với cách thể hiện cực hấp dẫn, các bảo tàng khoa học trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch khám phá.


Sự “trỗi dậy” của bảo tàng khoa học đã không còn là chuyện chỉ có ở các nước phát triển phương Tây. Tại các quốc gia Đông Nam Á, những năm gần đây vị thế của bảo tàng khoa học đã thay đổi nhờ nỗ lực xóa bỏ định kiến rằng đó chỉ là nơi trưng bày, thuyết minh một cách khô khan về những kiến thức cũng khô khan không kém. Ví dụ điển hình ở ngay đất nước láng giềng của chúng ta là Thái Lan.
Toàn cảnh Bảo tàng Khoa học với kiến trúc hai khối rubic. Ảnh: Long Vân
Toàn cảnh Bảo tàng Khoa học với kiến trúc hai khối rubic. Ảnh: Long Vân

Đến Bảo tàng Khoa học quốc gia Thái Lan mới hiểu tại sao loại hình này lại có thể hút khách đến như vậy. Đây là nơi mà khái niệm, hình dung về bảo tàng khoa học hoàn toàn thay đổi.

Sờ vào hiện vật và chơi thỏa thích

Nằm cách thủ đô Băngcốc 15km, Bảo tàng Khoa học quốc gia Thái Lan được mở cửa đón khách từ năm 2000, là một quần thể rộng gần 20 hécta với 3 công trình: Bảo tàng Khoa học, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên và Bảo tàng Công nghệ thông tin.

Khu Bảo tàng Khoa học có diện tích trưng bày 100.000m2, chia làm 6 tầng. Mỗi tầng là một chủ thể trưng bày xuyên suốt từ lĩnh vực khoa học cơ bản với những định lý, định luật được giảng dạy trong trường phổ thông đến các công nghệ hiện đại mới được ứng dụng.

Đặc biệt, khách đến đây thay vì đối mặt với những tấm biển cảnh báo “cấm sờ vào hiện vật” thì lại được khuyến khích chạm vào để học hỏi, trải nghiệm và vui chơi nhờ các thiết bị trưng bày có khả năng tương tác. Học sinh không chỉ quan sát mà có thể lập tức bắt tay vào làm các thí nghiệm về mạch điện, nguyên lý tạo từ trường, vật liệu và công nghệ hình ảnh… Sau đó, mỗi học sinh về nhà đều có thể tự thực hiện các thí nghiệm của mình.

Bảo tàng có nhiều giáo cụ trực quan giúp học sinh làm quen với kỹ năng hoạt động khoa học một cách vui vẻ, say mê. Ảnh: LV
Bảo tàng có nhiều giáo cụ trực quan giúp học sinh làm quen với kỹ năng hoạt động khoa học một cách vui vẻ, say mê. Ảnh: LV

Ông Chaintorn Wannawichitra - Giám đốc bộ phận điều phối dự án - cho biết: “Khi mới thành lập, chúng tôi phải đi mua các hiện vật tương tác. Còn bây giờ, bảo tàng đã có một xưởng sản xuất riêng tạo ra 60-70 hiện vật tương tác mỗi năm. Khoảng 95% số hiện vật trong bảo tàng có khả năng tương tác”.

Cách trưng bày hiện vật cũng rất hệ thống và hấp dẫn. Chỉ cần đi một vòng ở Bảo tàng Thiên nhiên, người xem có thể hiểu toàn bộ quá trình phát triển của từng ngành sinh vật hay sự tiến hóa của loài người… Tham quan Bảo tàng Công nghệ thông tin, tận mắt xem các thiết bị truyền tin cổ xưa, chiếc máy tính đầu tiên được sử dụng ở Thái Lan…, khách dễ dàng hình dung lịch sử thông tin của đất nước này.

Cách trưng bày, thể hiện thông qua việc xâu chuỗi theo từng chủ đề cùng với khả năng tương tác của hiện vật cũng khiến khách tham quan dễ dàng nhận thức được các vấn đề mà đất nước Thái Lan đang phải đối mặt. Từ đó khuyến khích học sinh tham gia tư duy, tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề chung của đất nước.
Nơi tạo cảm hứng và tình yêu khoa học

Bảo tàng Khoa học quốc gia Thái Lan đón hơn 3 triệu lượt khách mỗi năm. Giải thích sức hấp dẫn của cơ sở này, bà Ganigar Chen - Giám đốc truyền thông của bảo tàng - cho biết, đây không đơn thuần là nơi trưng bày mà còn là nơi du khách được học hỏi, trải nghiệm thực tế, trực quan các kiến thức khoa học vốn rất khô khan, khó hiểu. Bảo tàng còn tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa tới các trường học, giúp tạo cảm hứng cho học sinh với kiến thức khoa học. “Mục đích xây dựng bảo tàng là để thế hệ trẻ có thể tương tác với khoa học một cách đơn giản nhất” - bà Chen nói.

Em Janthapilo - học sinh trường Bangkrokkhinou, khách tham quan bảo tàng - chia sẻ: “So với kiến thức trong sách vở thì hiện vật ở đây mang tính thực tế. Em nhận thấy khoa học và công nghệ rất quan trọng với cuộc sống. Em muốn trở thành nhà nghiên cứu để tìm ra những giải pháp mới”.

Xã hội tôn trọng khoa học

Khi khởi công vào năm 1995, Bảo tàng Khoa học quốc gia Thái Lan được đầu tư ban đầu 500 triệu baht (tương đương 312 tỷ đồng). Chi phí vận hành khoảng 10 triệu baht (hơn 6,2 tỷ đồng) mỗi năm nhưng giá vào cửa chỉ 50 baht (tương đương 32.000 đồng), trẻ em và học sinh được miễn phí. Tiền thu được từ lượng khách tham quan khổng lồ cũng chỉ đủ cho 20% số chi phí vận hành bảo tàng. Số còn lại được Chính phủ Thái Lan bao cấp.

Học sinh hứng thú được trực tiếp sờ vào các hiện vật trong bảo tàng.
Học sinh hứng thú được trực tiếp sờ vào các hiện vật trong bảo tàng.

Nói về câu chuyện lợi nhuận, bà Ganigar Chen chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ thu thập hiện vật. Chúng tôi muốn tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học và có lối tư duy khoa học. Đây là điều quan trọng để duy trì một xã hội phát triển bền vững. Lợi nhuận lớn nhất mà chúng tôi tạo ra không tính bằng tiền mà bằng việc xây dựng và phát triển tinh thần khoa học trong giới trẻ. Đó là lợi nhuận tồn tại mãi mãi”.

Để tạo cảm hứng cho người dân, việc xây dựng những tòa nhà đẹp cũng được bảo tàng coi là quan trọng hàng đầu. “Các toà nhà này sẽ khiến mọi người thích thú, có động lực tới tham quan. Chúng tôi còn cung cấp thông tin về bảo tàng cho các trường học, đưa ra những chương trình đặc biệt để các trường thấy việc vượt đường xa tới đây là hoàn toàn xứng đáng” - bà Chen cho biết.

Thành quả của công tác tổ chức hoàn hảo đó là cảnh những đứa trẻ say sưa nhiều giờ đồng hồ trong bảo tàng, những du khách quên cả thời gian khi “lạc bước” vào đây. Chắc hẳn trẻ em Việt Nam cũng sẽ mải mê khám phá không kém nếu có một bảo tàng khoa học tương tự để tạo cảm hứng và nuôi dưỡng tình yêu khoa học.