Đó là ý kiến của TS Phạm Văn Lực - Chủ tịch hội đồng khoa học Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam khi trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển.


TS Phạm Văn Lực - Chủ tịch hội đồng khoa học Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.
TS Phạm Văn Lực - Chủ tịch hội đồng khoa học Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

“Xây dựng bảo tàng kết hợp du lịch với giáo dục là điều đương nhiên và cần thiết vì các bảo tàng đều gắn với 2 nhiệm vụ này. Nhưng nếu nhìn theo hai tiêu chí đó, hệ thống bảo tàng Việt Nam hiện nay cơ bản là chưa đạt. Phần du lịch của Việt Nam quá ít, lại còn được đặt trong vị trí quá chật chội.

Để kết hợp giáo dục và du lịch thì cần có không gian bên ngoài và đáp ứng tiêu chí gần công chúng. Để xa tít ở ngoại thành hay vùng cách Hà Nội vài chục kilômét thì không hợp lý với tình trạng giao thông hiện nay. Chúng ta cần tính toán sao cho du khách đến bảo tàng thuận tiện, có thể dành vài tiếng đồng hồ trong đó, chứ nếu riêng thời gian đi đã mất 2 giờ thì học làm sao được?

Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có một bảo tàng khoa học cấp quốc gia, được làm một cách bài bản thì rất tốt. Riêng Đài Loan có 70 bảo tàng về thiên nhiên, tỉnh nào cũng có, đáp ứng tại chỗ cho dân. Quy mô thì tùy điều kiện sẽ triển khai khác nhau. Tôi không nói là bảo tàng trung ương bắt buộc phải to hay bé hơn bảo tàng địa phương, nhưng nên có để hỗ trợ giáo dục.

Ví dụ về môn sinh học, các cháu được học từ cấp trung học cơ sở, nhưng có những trường mà học sinh suốt 12 năm phổ thông không biết con voi, con hổ thực tế ra sao. Nếu chúng ta có bảo tàng, cô giáo dẫn học sinh tới, chỉ định cụ thể các em cần quan sát, tìm kiếm thông tin gì rồi yêu cầu làm báo cáo xem đã thấy gì, hiểu gì, ghi chép, chụp ảnh ra sao. Đó mới là cách giáo dục hiệu quả.

Như ở Nhật Bản, trong bảo tàng khoa học có phòng mô tả về động đất. Người vào đó có thể cảm nhận được động đất 3-5 độ richter có độ rung lắc ra sao, tức là chỉ cần chọn thông số, nó sẽ thể hiện đúng dao động của mức độ động đất đó. Có những phòng khi vào, khách sẽ cảm nhận được tuyết rơi đầy đầu, rồi gió bão như thế nào, lụt lội làm sao, trẻ con đá quả bóng như thế nào thì màn hình sẽ thể hiện lực đá như thế…

Nên có những bảo tàng như vậy càng nhanh càng tốt, sẽ có tính giáo dục rất cao và quan trọng hơn là truyền được cảm hứng, đam mê khoa học cho giới trẻ”.