Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền, Quýt đường Long Trị ngày càng phát triển và khẳng định vị thế đặc sản Hậu Giang trên thị trường.

Đặc sản nối tiếng vùng đất Hậu Giang

Hậu Giang là tỉnh thuộc trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có địa hình bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, phù sa bồi đắp quanh năm với hệ thống sông ngòi chằng chịt, thích hợp cho nông nghiệp phát triển. Tận dụng lợi thế, tỉnh Hậu Giang đã tập trung đầu tư, hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều loại cây trồng, thủy sản của Hậu Giang đạt chất lượng cao và đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Yếu tố này vô cùng quan trọng bởi tài sản trí tuệ nói chung và nhãn hiệu tập thể nói riêng được coi như một điều kiện, một giấy thông hành để các sản phẩm đặc sản Hậu Giang vươn lên đáp ứng được yêu cầu hội nhập vào thị trường của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như cả nước và có thể xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần quảng bá tên tuổi của địa phương đến đông đảo khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước. Các sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu có thể kể đến như: bưởi Năm roi Phú Thành, cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc Hậu Giang, chanh không hạt Hậu Giang, cá thát lát Hậu Giang, cá rô Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2 và đặc biệt là quýt đường Long Trị - giống cây ăn trái chiếm diện tích lớn và có giá trị cao của tỉnh.

Thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - xã Long Trị nằm ven sông Cái Lớn, có diện tích trồng quýt đường gần 100 héc ta. Quýt đường đã có mặt tại vùng đất này hơn nửa thế kỷ, trở thành loại nông sản mang đến nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong vùng và với địa danh nơi đây, được người dân gọi là “Quýt đường Long Trị” và nhanh chóng được ghi nhớ trong tâm trí người tiêu dùng. Nhận thấy giá trị mà cây quýt đường mang lại, chính quyền địa phương đã mở rộng diện tích, mang giống quýt đường Long Trị trồng tại nhiều vùng khác trong tỉnh. Sau thị xã Long Mỹ thì huyện Phụng Hiệp, TP Vị Thanh, huyện Long Mỹ là những địa phương dành phần lớn diện tích đất nông nghiệp để trồng quýt đường. Hiện nay, tổng diện tích trồng quýt đường của tỉnh Hậu Giang lên đến hơn 1.000 héc ta.

Quýt đường Long Trị, Hậu Giang       Ảnh: AT
Quýt đường Long Trị, Hậu Giang Ảnh: AT

Quýt đường là một loại trái cây giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin C, B1, B2, các chất chống oxy hóa. Ngoài phần thịt bên trong, phần vỏ được dùng làm thuốc trong Đông y. Quýt đường dễ trồng, dễ chăm sóc, thích nghi rộng với nhiều loại thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau. Hiện nay, ở Việt Nam, ngoài Hậu Giang, quýt đường được trồng phổ biến tại Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp,… Quýt đường Long Trị được ưa chuộng bởi màu sắc tươi tắn và hương vị thơm ngon đặc trưng. Khi chín, quýt đường Long Trị có màu vàng chanh khá bắt mắt, vỏ bóng sáng, không bị sượng múi, vị ngọt thanh, mát. Đặc biệt, sau thu hoạch, trái có thể bảo quản lâu mà không héo.

Thường quýt đường cho thu hoạch khoảng vào tháng 7 - 10 âm lịch nhưng nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên các nhà vườn nơi đây có thể ứng dụng để cho quả vào trái mùa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khai thác nhãn hiệu tập thể

Nhãn hiệu tập thể "Quýt đường Long Trị"     Ảnh: AT
Nhãn hiệu tập thể "Quýt đường Long Trị" Ảnh: AT

Ngày 13/01/2014, nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền, mang đến sự hứng khởi cho các nhà sản xuất, kinh doanh và niềm tin cho người tiêu dùng, tạo động lực để thương hiệu “Quýt đường Long Trị” nhanh chóng phát triển. Tiếp đó, vào ngày 08/05/2017, UBND tỉnh Hậu Giang đã ký quyết định số 824/QĐ-UBND, ban hành chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang năm 2017-2020”, trong đó có dự án “Quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể Quýt đường Long Trị dùng cho sản phẩm Quýt đường của tỉnh Hậu Giang” do Trung tâm Tư vấn Phát triển thương hiệu Việt Nam thực hiện, dưới sự quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ và sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang.

Như vậy, lộ trình và hướng đi đã sẵn sàng, tuy nhiên để “Quýt đường Long Trị” trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường đòi hỏi nông dân nơi đây ngoài tâm huyết với loại cây trồng này còn cần phải liên tục nghiên cứu, cập nhật và áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, canh tác để giữ vững chất lượng, uy tín sản phẩm. Đồng thời, khai thác triệt để giá trị của tài sản trí tuệ nhãn hiệu tập thể và hệ thống nhận diện thương hiệu “Quýt đường Long Trị” trong quá trình truyền thông, quảng bá cho loại đặc sản này. Bên cạnh đó, mỗi bước phát triển của “Quýt đường Long Trị” không thể thiếu vai trò của Hợp tác xã và chính quyền địa phương trong việc giám sát, đôn đốc và hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật, đầu ra, chi phí đầu tư, cải tạo và những dự án mang tính chất lâu dài.