Hiện nay nhiều nơi, người dân tự phát triển các nhãn hiệu của riêng mình cho nông sản thay vì sử dụng nhãn hiệu do địa phương xây dựng tốn kém hàng tỉ đồng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỉ trọng đó là do sự hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ở từng địa phương thiếu chặt chẽ.

Sở KH&CN Sơn La đã hướng dẫn quy trình kiểm soát chất lượng nội bộ nhãn hiệu na Mai Sơn ở hợp tác xã Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn– một trong những nơi đang sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này.
Sở KH&CN Sơn La đã hướng dẫn quy trình kiểm soát chất lượng nội bộ nhãn hiệu na Mai Sơn ở hợp tác xã Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn– một trong những nơi đang sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này.

Chưa khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý

Được biết đến rộng rãi ở Việt Nam một vài năm trở lại đây nhưng với nhiều địa phương có những mặt hàng nông sản truyền thống, chỉ dẫn địa lý đã trở thành một trong những mục tiêu tiên quyết trong chiến lược xây dựng và phát triển sản phẩm. Việc được “dán nhãn” chứng nhận như vậy không chỉ hứa hẹn khả năng được đón nhận rộng rãi trên thị trường mà còn đem lại giá trị lớn cho các loại nông sản, ví dụ tăng giá chuối ngự Đại Hoàng (Nam Định) lên 130-150%, mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang) tăng 75-80%…

Bài học thành công của các thương hiệu này khiến nhiều địa phương cũng muốn học hỏi và thậm chí, dẫn đến việc “chạy đua” đăng ký các loại văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng hiệu quả, ví dụ trường hợp của An Giang, một trong những tỉnh thành có nhiều văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản nhất với 1 chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu chứng nhận và 59 nhãn hiệu tập thể, song trong chuyến khảo sát đầu năm 2019 về tình hình phát triển của các nhãn hiệu này, Sở KH&CN An Giang đã phát hiện ra thực tế không như mong đợi. “Hơn 2/3 các nhãn hiệu này không còn được sử dụng hoặc sử dụng nhưng không hiệu quả”, bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh An Giang cho biết, “nhiều cơ sở sản xuất đăng ký sử dụng nhãn hiệu nhưng sau đó lại không dùng... cho sản phẩm cùa mình”.

Không riêng gì An Giang mà kể từ năm 2005, rất nhiều địa phương khác bắt đầu thúc đẩy việc xây dựng nhãn hiệu cho nông sản khi Chính phủ ban hành các chính sách như Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP)… nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp trên cả nước. Nhờ đó, số lượng văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của Cục SHTT (Bộ KH&CN), đến hết tháng 3/2019, Việt Nam có 1.125 văn bằng bảo hộ cho sản phẩm nông nghiệp với 3 loại nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, trong đó số lượng chỉ dẫn địa lý đã tăng lên con số 66.

Vậy đây có phải là dấu hiệu đáng mừng? Trên thực tế, số lượng mới chỉ là một phần của câu chuyện bởi theo ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT, vẫn cần thận trọng trong đánh giá tính hiệu quả bởi việc đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý chỉ là bước khởi đầu, “vấn đề quan trọng là quá trình tiếp theo sau khi được bảo hộ quyền SHTT, thì mỗi nơi triển khai quản lý nhãn hiệu như thế nào để sản phẩm ra được thị trường ổn định. Nếu không, tất cả mọi nỗ lực làm hồ sơ và xét duyệt vẫn sẽ chỉ dừng lại ở chỗ tất cả sản phẩm đều có ‘tên gọi’ mà thôi”.

Mối lo ngại của ông Sơn không phải không có cơ sở. Hiện nay, có một tình trạng là nhiều nơi, người dân tự phát triển các nhãn hiệu của riêng mình cho nông sản thay vì sử dụng nhãn hiệu do địa phương xây dựng. Điều này gây ra lãng phí không hề nhỏ vì “chi phí nhà nước hỗ trợ cho việc đăng ký bảo hộ mỗi nhãn hiệu lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí lên tới hàng tỷ đồng đối với chỉ dẫn địa lý”, PGS.TS Trần Văn Hải, trưởng bộ môn SHTT ở trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, người đã từng tham gia xây dựng nhãn hiệu cho nhiều địa phương, cho biết. Không chỉ có vậy, người ta chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt là khả năng tự kiểm soát nhãn hiệu riêng mà quên mất rằng nhãn hiệu do nhà nước hỗ trợ đăng ký thường được gắn với tên địa phương đã có truyền thống sản xuất lâu đời và tạo nên danh tiếng của nông sản.

Vì sao nên nỗi?

Bên lề chuyến đi Sơn La kiểm tra tình hình triển khai nhãn hiệu sở hữu trí tuệ của Cục SHTT, có ý kiến ví von việc các nông sản được đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ như mâm cỗ đã được bày sẵn nhưng lại không mời được thực khách. Vậy tại sao lại như vậy? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Huy Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản (Sở NN&PTNT) tỉnh Gia Lai – địa phương cũng gặp tình trạng tương tự với An Giang, lý giải theo góc nhìn của mình: “Việc quản lý và sử dụng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn gặp nhiều hạn chế nên người dân không muốn dùng”. Theo đánh giá của ông, chỉ dẫn địa lý được giao cho các cơ quan hành chính địa phương, ở đây là Sở KH&CN, còn nhãn hiệu thường do một tổ chức đại diện cho quyền lợi các nhà sản xuất (hiệp hội) quản lý – cả hai chủ thể này đều gặp vấn đề riêng trong việc quản lý sử dụng các nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Nhiều người trồng hồ tiêu ở Gia Lai còn thờ ơ với thương hiệu hồ tiêu Chư Sê. Nguồn: Báo Gia Lai
Nhiều người trồng hồ tiêu ở Gia Lai còn thờ ơ với thương hiệu hồ tiêu Chư Sê. Nguồn: Báo Gia Lai

Về hiệp hội, một trường hợp tiêu biểu ở Gia Lai là hồ tiêu Chư Sê: đã được cấp nhãn hiệu tập thể từ năm 2007 do Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) sở hữu và quản lý. Là vùng trồng hồ tiêu lớn nhất trên cả nước, UBND tỉnh Gia Lai kỳ vọng sau khi đăng ký, nhãn hiệu hồ tiêu Chư Sê sẽ góp phần tăng giá trị cho doanh nghiệp và người trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, một điều trớ trêu là phần lớn các doanh nghiệp sản xuất hồ tiêu nơi đây đều không muốn tham gia Hiệp hội – điều kiện để sử dụng nhãn hiệu hồ tiêu Chư Sê. “Hiệp hội không có quy trình quản lý chất lượng sản xuất chặt chẽ, doanh nghiệp vào rồi cũng chán, vì họ thấy tự làm nhãn hiệu riêng còn tốt hơn”, ông Toàn cho biết.

Trước thực tế nhiều hiệp hội không đủ năng lực quản lý, nhiều nhãn hiệu đã được trao quyền quản lý cho các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cách làm này vẫn chưa thực sự hiệu quả bởi vì các đơn vị này không trực tiếp tham gia sản xuất, dẫn đến không kiểm soát được chặt chẽ, thậm chí là thiếu quan tâm tới việc sử dụng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trong thực tế. Chẳng hạn như trường hợp nước mắm Phú Quốc, được cấp chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam năm 2001. Đến năm 2011, một luật sư ở Việt Nam phát hiện ra một công ty Hồng Kông đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này ở Trung Quốc nên nhanh chóng gửi thư cảnh báo cho Hiệp hội nước mắm Phú Quốc – đại diện cho các doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn địa lý này và Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang – cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý nhưng không thấy cả hai bên hồi âm. Sự thờ ơ trong quản lý đã dẫn đến việc sử dụng chỉ dẫn địa lý này dần bị mai một. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm phát triển nông thôn năm 2017, hiện nay có 20 cơ sở sản xuất đủ điều kiện sản xuất nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc nhưng chỉ có 11 cơ sở đăng ký sử dụng loại tem này.

Cần sự phối hợp từ hai phía

Câu chuyện đáng buồn về chỉ dẫn địa lý khiến người ta hiểu ra rằng, để chỉ dẫn địa lý phát huy được sức mạnh của nó như kỳ vọng là vừa trở thành một tín hiệu đáng tin cậy về chất lượng của sản phẩm truyền thống và vừa là yếu tố góp phần đảm bảo vị trí trên thị trường so với sản phẩm cùng loại, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội ngành nghề. Đó cũng là quan điểm của ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục SHTT). Ông cho rằng, với thực trạng sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay thì “cách tốt nhất là các đơn vị nhà nước cùng phối hợp quản lý với các hiệp hội”. Khi sự phối hợp giữa hai bên không tốt, sẽ có tình huống xảy ra: nếu nhà nước hoàn toàn “buông tay” thì hiệp hội không đủ sức quản lý, nhưng ngược lại, nếu “bao cấp” toàn bộ thì sẽ khiến các cơ sở sản xuất (thuộc hiệp hội) trở nên thụ động. Vì vậy, giải pháp tốt nhất trong tình huống này là phải xác định được vai trò của nhà nước đến đâu và như thế nào, ông Thanh nhận xét và cho biết thêm, “một số địa phương như Bình Phước và Sơn La có vẻ như đang đi đúng hướng: các đơn vị nhà nước thực hiện vai trò định hướng ban đầu, sau đó các cơ sở sản xuất sẽ tự khai thác và sử dụng nhãn hiệu”.

Những gì mà đoàn kiểm tra của Cục SHTT chứng kiến trong chuyến đi vào cuối tháng 7 đã cho thấy điều đó. Sự cân bằng giữa vai trò của nhà nước và các hiệp hội trong quá trình xây dựng và quản lý nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản đã giúp Sơn La trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc hiện nay với nhiều sản phẩm nổi tiếng như nhãn Sông Mã, na Mai Sơn, cà phê Sơn La… Ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La, cho biết, để phát triển thương hiệu cho các loại nông sản, ngay từ ban đầu, ban lãnh đạo Sở đã xác định Sở KH&CN phải là đơn vị chủ động những bước đầu tiên: từ khảo sát các sản phẩm chủ lực của địa phương, xây dựng quy trình sản xuất cho tới chọn hình thức đăng ký bảo hộ cho từng loại nông sản. “Nếu khâu ban đầu không có nhà nước hỗ trợ thì tư nhân không thể làm nổi”, ông An nói. Trong quá trình này, để người dân chấp nhận thay đổi cách sản xuất theo phương thức mới, “chúng tôi đã tìm đến tận nơi, cùng sống với bà con hàng tháng trời để thuyết phục họ”, ông An nhớ lại quá trình các cán bộ của Sở gây dựng từng bước thương hiệu nông sản. Nỗ lực này rút cục đã có được hiệu quả không ngờ là “khi được chuyển giao, các hộ đều thực hiện rất tốt các quy trình sản xuất”.

Những cú hích ban đầu của Sở KH&CN tỉnh Sơn La đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất tự do khai thác các nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý này cho nông sản. Ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc hợp tác xã Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn– một trong những đơn vị đang sử dụng nhãn hiệu chứng nhận na Mai Sơn, cho biết, dựa trên sự hướng dẫn của Sở KH&CN, các hợp tác xã đã cùng ngồi lại với nhau để tự xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng nội bộ, từ khâu nuôi trồng cho đến thu hái. Sở KH&CN tỉnh chỉ hỗ trợ những lúc cần thiết. Chẳng hạn, “khi nhận được phản ánh rằng các cơ sở sản xuất gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp, chúng tôi đã nhanh chóng hỗ trợ quảng bá, tổ chức lễ hội và đem các nông sản đến rất nhiều hội chợ để giới thiệu sản phẩm”, ông An cho biết.