Vừa qua, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (Sở KH&CN Cao Bằng) phối hợp với UBND huyện Trùng Khánh tổ chức thành công Hội nghị triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Vịt cỏ Trùng Khánh” dùng cho sản phẩm vịt cỏ của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”. Dự án do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN chủ trì thực hiện.


Tham dự Hội nghị có đồng chí La Văn Hồng - Phó chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn của huyện; đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách chuyên môn các xã của huyện và hơn 20 hộ dân tiêu biểu trong phát triển chăn nuôi vịt cỏ tại địa phương.

Tại Hội nghị đồng chí Đặng Thị Hồng Nhung - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm, chủ nhiệm dự án đã giới thiệu tổng quát về mục tiêu và các nội dung của Dự án sẽ triển khai thực hiện; tuyên truyền, phổ biến một số nội dung của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến dự án và thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện.

Thảo luận tại hội nghị có 12 ý kiến phát biểu của các đại biểu, các ý kiến đều thể hiện quan điểm đồng tình ủng hộ việc triển khai thực hiện dự án tại địa phương vì thực tế, chăn nuôi vịt là một lĩnh vực sản xuất có lợi thế và được duy trì từ lâu tại địa phương, chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao và đã có tiếng nên cần được phát huy, nâng cao giá trị thông qua việc đăng ký nhãn hiệu tập thể để xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Các đại biểu bày tỏ mong muốn: Các ngành liên quan và đơn vị chủ trì thực hiện dự án quan tâm tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vịt cho các hộ dân, vì hiện nay người dân chủ yếu chăn nuôi theo phương pháp truyền thống và theo kinh nghiệm chăn nuôi của từng hộ gia đình; hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để người dân yên tâm mở rộng sản xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí La Văn Hồng cho biết: Với lợi thế có nguồn nước phù hợp với việc đầu tư phát triển chăn nuôi vịt, do đó nhiều hộ dân trong xã đã đẩy mạnh chăn nuôi vịt cỏ tuy nhiên người dân chủ yếu nuôi theo quy mô hộ gia đình, chưa phát triển mở rộng và ứng dụng các biện pháp nhận biết sản phẩm như truy suất nguồn gốc, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, vì vậy dự án được triển khai tại địa phương sẽ góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật trong chăn nuôi cho người dân, tổ chức hợp tác sản xuất, quảng bá giới thiệu sản phẩm trên thị trường, đồng thời huyện sẽ phối hợp và tạo mọi điều kiện trong quá trình triển khai thực hiện để dự án đạt được hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi vịt tại địa phương theo hướng bền vững.