Mô hình nuôi tôm trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao được áp dụng tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đang được đánh giá là chắc ăn, ít rủi ro, dịch bệnh, mang lại lợi nhuận cao gấp 4-5 lần nuôi tôm truyền thống.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại Thái Bình" được tiến hành với sự liên kết của Doanh nghiệp Phương Nam - chuyên sản xuất, ươm nuôi và nuôi thương phẩm các giống hải sản với các chủ đầm nuôi trồng hải sản.
Với việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng trong nhà kính kết hợp phương thức “nuôi liên hoàn từ bể ươm ra ao nuôi thương phẩm”, theo Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, ngoài việc giảm bớt thời gian giai đoạn nuôi ao, còn giúp tăng số vụ nuôi/năm lên gấp đôi (từ 2 lên 4 vụ), nâng cao năng suất nuôi trồng từ 1 lên tới 2 kg/m2 và đưa trọng lượng tôm thương phẩm từ 70-75con/kg lên 30-35 con/kg chỉ sau 105 ngày nuôi.
Ngoài tác dụng tăng hệ số quay vòng ao nuôi, quay vòng vốn, rút ngắn thời gian khấu hao ao nuôi …, hình thức nuôi tôm này đã giúp người dân tránh được tình trạng được mùa rớt giá, giúp giá tôm ở trái vụ có thể cao gấp đôi giá trong tháng chính vụ.
Cũng nhờ lợi thế công nghệ nuôi nhà kính, chủ động thực hiện việc kiểm soát nhiệt độ, kiểm soát môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ngoài môi trường tự nhiên nên giảm thiểu bệnh dịch, đảm bảo an toàn sản xuất, giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng, tạo điều kiện nuôi thâm canh và thâm canh cao, chủ động được thời điểm thu hoạch, nhờ đó đồng thời giải quyết được cả 2 mục tiêu là năng suất và chất lượng tôm thương phẩm, sau đó là giá cả, và cuối cùng là “suất lợi nhuận” trên một đơn vị diện tích ao nuôi cũng như trên đồng vốn đầu tư.
Hiền Thảo