Theo đó, dựa vào kết quả các đề tài về cây Ba Kích được thực hiện từ năm 2012 – 2014 trên địa bàn huyện Tam Đảo, các nhà khoa học đã lựa chọn Suối Đùm, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo làm nơi triển khai dự án với 3 ha cây ba kích tím.
Nhóm thực hiện đề tài đã lựa chọn 2 công thức, trồng thuần với mật độ 20.000 cây/ha và trồng dưới tán cây với mật độ 10.000 cây/ha. Tại mỗi công thức thí nghiệm, đánh dấu 30 cây để đo đếm và theo dõi khả năng sinh trưởng của cây ba kích qua các giai đoạn phát triển.
Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc cho hay, qua theo dõi, nhóm thực hiện đề tài nhận thấy: cây Ba kích tím sau khi trồng 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng ở công thức trồng Ba kích thuần có tỷ lệ sống trung bình (82.70%), thấp hơn so với ở công thức trồng dưới tán (93,30%). Tuy nhiên, ở các chỉ tiêu về khả năng vươn ngọn, về tốc độ sinh trưởng của cây (chiều dài thân, đường kính thân, khả năng đẻ nhánh) và chỉ tiêu mức độ phát triển của rễ để hình thành củ thì ở giai đoạn sau trồng 1 tháng giữa 2 công thức thí nghiệm không có sự khác biệt quá lớn nào.
Đến các giai đoạn sinh trưởng phát triển tiếp theo (3 tháng, 6 tháng sau trồng) ở công thức Ba kích trồng thuần có sự phát triển mạnh mẽ hơn cây Ba kích ở công thức trồng dưới tán. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trồng cây ba kích, bà con cần phải lựa chọn thời điểm trồng thích hợp để cây nhanh bén rễ, hồi xanh, sớm bước vào giai đoạn sinh trưởng mạnh như tháng 4-5 hoặc tháng 9-10. Đối với diện tích trồng mới bằng phương pháp trồng thuần, cần có vật liệu che nắng để nâng cao tỷ lệ sống cho cây.
Nghiên cứu này đã giúp người dân nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sao cho cây phát triển tốt nhất, đồng thời giúp họ có ý thức hơn trong vấn đề trồng rừng, cải tạo vườn đổi, rừng trồng cây thuốc quý cũng như cách khai thác rừng để cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất dược liệu.