Ngày 6/8/2016, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An và Phân viện Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ phối hợp tổ chức buổi hội thảo giới thiệu trong Hội thảo công nghệ nuôi cá "sông trong ao".
Ông Jess Chappell - người sáng tạo ra công nghệ này đã trình bày chi tiết về công nghệ nuôi cá "sông trong ao" (IPA). Theo đó công nghệ này không chỉ cho năng suất cao mà còn có giá trị bảo vệ môi trường, giữ vững môi trường nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, hệ thống IPA biến ao nước tĩnh thành ao nước sạch, tạo môi trường sông trong ao. Hệ thống máng IPA có thể chủ động nguồn nước, nước trong ao không cần thay mà có thể tuần hoàn.
Theo ThS Chu Chí Thiết - Phân viện trưởng Phân viện Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ - khi đưa cá vào nuôi đến một mức độ ổn định, cân bằng giữa các loài nuôi và tự làm sạch môi trường thì sẽ hình thành hệ sinh thái ổn định. Thức ăn thừa và chất thải của cá được thu trở lại, được xử lý qua BiOgas. Nước sau khi lắng lọc sẽ được trở lại hệ thống ao nuôi. Chất thải và thức ăn thừa có thể được làm sạch bằng chế phẩm sinh học hoặc BiOgas để làm phân bón.
Công nghệ IPA có điểm tối ưu là hệ thống máy nén đưa không khí nén qua hệ thống máng độn dưới đáy ao. Không khí nén được độn dưới đáy và đẩy từ dưới lên mặt. Hiện tượng oxy hóa làm cho khí độc bay lên. Khí nén xuống đáy ao cũng tạo ra dòng chảy và đẩy các khí độc khỏi đáy ao.
"Thay vì phải thay nước trong ao nuôi như trước kia, hệ thống này không thay và thải nước ra ngoài, tránh được lây lan mầm bệnh sang các trang trại khác và ra môi trường xung quanh", Ths Thiết cho hay.
Ths Chu Chí Thiết cho biết thêm, hệ thống máng IPA chỉ chiếm 1,5-2% diện tích ao. Do đó máy nén khí thay thế hoàn toàn tác dụng của hệ thống quạt nước trên bề mặt truyền thống và tiết kiệm đáng kể tiêu hao năng lượng vận hành.
Theo ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Nghệ An, hiện tại đã có 3 trang trại đăng ký áp dụng công nghệ IPA này trong thời gian tới. Ông Thành cũng cho biết, Sở KH-CN Nghệ An và Phân viện Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ đang xây dựng đề án mô hình thử nghiệm.
Dự kiến đầu năm 2017 sẽ triển khai nhân rộng công nghệ này ra toàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, Sở KH-CN sẽ hỗ trợ lắp đặt thiết bị và một phần chi phí triển khai mô hình.