Thấy rõ vai trò của khoa học và công nghệ trong sản xuất, các doanh nghiệp ở Nghệ An đã chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền cho biết như vậy trong cuộc phỏng vấn của Báo Khoa học và Phát triển.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của hoạt động KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An thời gian qua, đặc biệt là những thành tựu nổi bật trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN?

Trong thời gian vừa qua, ngành KH&CN tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN và đã có được những bước phát triển đáng kể, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra một số mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Một số sản phẩm khoa học đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao.

Trong phát triển nông nghiệp, mô hình trồng chanh leo gắn với tiêu thụ sản phẩm ở Quế Phong có doanh thu đạt 400 triệu đồng/ha. Giống lúa thảo dược Vĩnh Hòa được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng. Ngoài ra, tỉnh cũng phát triển các sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu, sản xuất chè, rau an toàn theo VietGap, nhân giống cây rễ hương để đảm bảo nguyên liệu phát triển sản phẩm hương trầm, phục tráng giống đậu tương Nam Đàn,...

Ngoài ra, Nghệ An còn triển khai nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa một số sản phẩm khoa học như: Sản xuất chế phẩm vi sinh vật phân hủy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất trồng rau; chế biến thức ăn cho trâu bò theo công nghệ vi sinh, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi hạn chế ô nhiễm môi trường. Tỉnh cũng hỗ trợ nông dân sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp,...

Một số mô hình nuôi trồng ứng dụng KH&CN đã được nhân rộng trong sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao như: Nuôi cá trắm đen trên hồ thủy điện Bản Vẽ, mô hình sản xuất giống ngao tại Quỳnh Lưu...

Ngành KH&CN tỉnh cũng ứng dụng thành công nhiều biện pháp kỹ thuật, công nghệ như: Tưới nhỏ giọt trên cây ăn quả và mía góp phần tiết kiệm nước; xây dựng rạn nhân tạo nhằm bảo vệ và tăng cường nguồn lợi thủy sản cho vùng biển Nghệ An; sản xuất sản phẩm chức năng từ tảo xoắn và các loại dược phẩm khác đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng thấy được vai trò của ứng dụng KH&CN trong sản xuất, đồng thời chú trọng đầu tư cho hoạt động ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền. Ảnh: N.H
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền. Ảnh: N.H

Trong quá trình triển khai các hoạt động KH&CN, tỉnh đã gặp những trở ngại, khó khăn nào, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất trong hoạt động ứng dụng KH&CN của tỉnh là việc tạo lập, phát triển thị trường KH&CN và ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; bởi phần lớn doanh nghiệp của tỉnh có nguồn lực tài chính có hạn.

Do đó, việc xã hội hoá nguồn lực còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao còn chậm - nhất là trong nông nghiệp - khiến việc nhân rộng và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất chưa thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, Nghệ An chưa cân đối được nguồn lực từ ngân sách kết hợp với huy động nguồn lực từ xã hội hóa cho hoạt động KH&CN, dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong hoạt động đổi mới công nghệ.

Tỉnh sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào được coi là lợi phát triển của địa phương, thưa ông?

Hiện nay, các lĩnh vực mà Nghệ An đang tập trung ưu tiên đầu tư dựa trên lợi thế của tỉnh bao gồm: Công nghệ sinh học, công nghệ y dược, ứng dụng bảo quản, thu hoạch, chế biến sản xuất nông - lâm - ngư, ứng dụng công nghệ tự động hóa ở một số khâu trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vật liệu mới, vật liệu xây dựng phục vụ các công trình giao thông và xây dựng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!