Lúa IR64 là giống được chọn lọc từ tập đoàn giống nhập nội của Viện lúa Quốc tế (IRRI). Trong khi đó, lúa Bắc thơm số 7 là giống lúa thuần có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập nội vào Việt Nam từ năm 1992, đến ngày 21/4/1998.

1. Nguồn gốc, đặc điểm của giống lúa IR64

Nguồn gốc: Giống lúa IR64 là giống được chọn lọc từ tập đoàn giống nhập nội của Viện lúa Quốc tế (IRRI), được lai tạo từ tổ hợp lai giữa IR 5657-33/IR 2061-465. Được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống chính thức tại Quyết định số 402 QĐ/BNN-KHCN, ngày 27/11/1986.

Giống IR64 được đưa vào thử nghiệm trên vùng lòng chảo Điện Biên từ năm 1986, và được mở rộng và phát triển mạnh từ năm 1988.

Đặc điểm sinh học và hình thái của giống lúa IR64

Thời gian sinh trưởng của giống lúa IR64 từ 105-110 ngày (tính cho trà vụ mùa ở các tỉnh phía Nam); Là giống gieo cấy ở trà Đông xuân sớm, vụ Hè thu ở miền Nam, vụ Xuân muộn hoặc vụ Mùa sớm ở Miềm Bắc, vụ Hè thu ở miền Trung.

Là giống kháng cao với bệnh Đạo ôn, hơi kháng với bệnh Bạc lá. Nhiễm nhẹ với Rầy nâu. Nhiễm vừa đến nặng với bệnh Khô vằn.

Chiều cao cây lúa: 95-105 cm.

Khả năng chống đổ trung bình, chịu phèn khá, phù hợp hơn.

Đặc điểm về chất lượng hạt thóc:

Hình dáng hạt thóc: Hạt thon dài, màu vàng sáng, chiều dài hạt trung bình 7,19 mm.

Tỷ lệ chiều dài/chiều rộng hạt là: 3,34; trọng lượng 1000 hạt: 26-27 gram.

Đặc điểm về chất lượng hạt gạo:

Chất lượng hạt gạo: Gạo trắng, không bạc bụng, cơm dẻo, ngon. Hàm lượng amylose trung bình: 24,4%.

2. Nguồn gốc, đặc điểm của giống lúa Bắc thơm số 7

Giống lúa Bắc thơm số 7 là giống lúa thuần có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập nội vào Việt Nam từ năm 1992, đến ngày 21 tháng 04 năm 1998, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Quyết định số 1224-QĐ/BNN-KHCN công nhận giống Bắc thơm số 7.

Giống lúa Bắc thơm số 7 được đưa vào trồng thử nghiệm tại vùng lòng Điện Biên từ năm 1995, đến năm 1999 - 2000 thì diện tích bắt đầu được mở rộng và phát triển.

Đặc điểm về sinh học và hình dáng của cây lúa:
Là giống lúa có thể gieo cấy được trong cả 2 vụ, thời gian sinh trưởng ở trà Xuân muộn là 135 - 140 ngày, trà mùa sớm là 115 - 120 ngày. Chiều cao cây từ 90 - 95 cm, là giống đẻ nhánh khá, thời gian trỗ kéo dài.

Khả năng chống đổ và chịu rét trung bình, nhiễm nhẹ đến vừa với bệnh rầy nâu, đạo ôn và khô vằn, trong vụ mùa thì nhiễm nặng với bệnh bạc lá.

Hai giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7, được Công ty giống nông nghiệp Điện Biên khảo nghiệm, phát triển nay đã trở thành hai giống lúa chính đưa vào sản xuất lúa gạo và trở thành thương hiệu lúa gạo Điện Biên chất lượng cao. Ảnh: Tuyengiao.
Hai giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7, được Công ty giống nông nghiệp Điện Biên khảo nghiệm, phát triển nay đã trở thành hai giống lúa chính đưa vào sản xuất lúa gạo và trở thành thương hiệu lúa gạo Điện Biên chất lượng cao. Ảnh: Tuyengiao.

Đặc điểm về hạt thóc: Hạt thon nhỏ, màu vàng sẫm, chiều dài hạt trung bình 5,86 cm, tỷ lệ chiều dài/chiều rộng hạt là 2,95, trọng lượng 1.000 hạt 19 - 20 gram.

Đặc điểm về chất lượng gạo: Gạo có hương thơm, cơm thơm và mềm, hàm lượng amylose trung bình: 13%.

3. Tính chất đặc thù của sản phẩm

Theo giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa địa lý của Việt Nam về gạo Điện Biên, sản phẩm có những tính chất đặc thù sau đây:

Gạo IR64

- Thóc IR64: có màu vàng nhạt, độ bóng cao, vỏ mỏng.

- Gạo IR64: màu trắng đục, sáng bóng.

- Cơm IR64: mùi thơm nhẹ, vị cơm đậm, mềm và dẻo khi ăn.

Chỉ tiêu chất lượng:

+ Hàm lượng protein: 7,26 - 8,55 %.

+ Hàm lượng amylose: 15,4 - 18,2 %.

+ Hàm lượng tinh bột: 79,0 - 84,2 %.

Gạo Bắc thơm số 7

- Thóc Bắc thơm số 7 màu vàng óng, hình dáng nhỏ và thon.

- Gạo Bắc thơm số 7: Hạt nhỏ đều, bóng, màu trắng trong, có ánh xanh.

- Cơm Bắc thơm số 7: Mùi thơm đậm, đặc trưng, vị đậm và dẻo.

Chỉ tiêu chất lượng:

+ Tỷ lệ hạt thóc xanh: Cao.

+ Tỷ lệ hạt gạo bị vỡ đầu hạt: 20 - 30%.

+ Hàm lượng protein: 7,32 - 9,11 %.

+ Hàm lượng amylose: 12,28 - 14,54 %.

+ Hàm lượng tinh bột: 76,66 - 83,68 %.