Mô hình trồng dưa lưới chuẩn VietGAP tại phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Mô hình trồng dưa lưới chuẩn VietGAP tại phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang
Nhọc nhằn theo đuổi GAP
Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL với hơn 9.000 ha, chủ yếu là xoài cát chu và xoài cát Hòa Lộc. Đưa chúng tôi đi thăm vườn xoài sai trĩu quả, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) Nguyễn Văn Đúng cho biết: Nhờ xử lý ra hoa rải vụ, nên xoài ở Đồng Tháp hầu như cho trái quanh năm. Từ năm 2013, HTX bắt đầu thực hiện sản xuất theo chuẩn GlobalGAP. Sản xuất theo tiêu chuẩn này, việc sử dụng các loại hóa chất giảm tới 80%, giá bán lại cao hơn xoài trồng theo phương thức truyền thống từ năm nghìn đến tám nghìn đồng/kg, cho lợi nhuận từ 210 đến 220 triệu đồng/ha/năm. HTX xoài Mỹ Xương đã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xoài Mỹ Xương và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận vào năm 2016. Tuy nhiên, cũng từ năm 2016¸ chứng nhận GlobalGAP của HTX hết hạn, và hiện giờ việc đăng ký cấp lại vẫn chưa được thực hiện. Ông Nguyễn Văn Đúng trần tình: Nguyên nhân của việc chậm làm thủ tục cấp lại chứng nhận GlobalGAP là do chi phí quá cao. Trong lần đầu thực hiện, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, còn việc tái chứng nhận, HTX phải lo toàn bộ kinh phí nên rất khó khăn.
Không chỉ đối với xoài, mà với các diện tích trồng bưởi da xanh - một trong những loại trái cây chủ lực, có giá cao ở nhiều tỉnh ĐBSCL - việc triển khai sản xuất theo chuẩn GAP cũng gặp nhiều khó khăn. Toàn vùng hiện chỉ có khoảng 40 ha bưởi sản xuất theo chuẩn GAP. Giám đốc HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) Lê Tân Kỳ chia sẻ: Ưu điểm của bưởi da xanh là giá ổn định, dễ chăm sóc, cây chịu bệnh tốt, sản phẩm bảo quản được lâu, nhưng hiện nay cũng mới chỉ có 30% diện tích bưởi của HTX được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi xác định chưa mở rộng và chỉ trồng thí điểm trên một diện tích nhỏ, vì theo chuẩn này cần bảo đảm khá nhiều tiêu chí, trong khi giá bán sản phẩm chỉ cao hơn trồng theo phương thức truyền thống từ hai đến ba nghìn đồng/kg. Khi đầu ra cho sản phẩm VietGAP ổn định, giá cao hơn hẳn thì chắc chắn chúng tôi sẽ quyết tâm làm toàn bộ diện tích.
Ngoài xoài và bưởi da xanh, khu vực ĐBSCL còn nhiều loại quả nổi tiếng như chôm chôm, quýt hồng Lai Vung, nhãn tiêu da bò, nhưng thuộc diện đạt tiêu chuẩn GAP chỉ chiếm diện tích rất nhỏ. Rõ ràng, việc sản xuất chưa gắn với thị trường, cộng thêm chi phí chứng nhận GAP còn quá cao so với nhiều tổ chức và cá nhân đã khiến việc thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất trái cây còn bấp bênh, nay có, mai không. Theo Viện Cây ăn quả miền nam, để chứng nhận một mô hình sản xuất cây ăn trái theo GlobalGAP, chi phí ít nhất là 3.500 USD, chưa kể các chi phí khác, như phân tích mẫu đất, nước, trái cây... và chi phí tái đánh giá. Vì vậy, tại nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng các nhà vườn xin ra khỏi HTX để sản xuất bình thường, như trường hợp ở HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) và HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).
Hình thành các vùng chuyên canh
Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền nam Võ Hữu Thoại đánh giá: Nhìn vào thực trạng phát triển sản xuất cây ăn quả tại ĐBSCL hiện nay, khó có hy vọng sớm đẩy nhanh được tiến trình sản xuất GAP, chưa nói đến sản xuất theo hướng hữu cơ. Việc các nhà vườn bỏ VietGAP, GlobalGAP... dù đã tham gia được nhiều năm, đặt ra đòi hỏi cấp thiết cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho các mô hình này. Không chỉ là hỗ trợ chi phí tái chứng nhận, mà quan trọng hơn là tuyên truyền, vận động, thay đổi tập quán canh tác của nông dân, giúp họ nhận thức rõ rằng: Thực hiện theo tiêu chuẩn chất lượng hay là “phá sản”? Đối với doanh nghiệp cũng vậy, nếu chỉ thu mua cầm chừng, chủ yếu lấy tiêu chuẩn GAP để kinh doanh, trục lợi, thì sớm muộn cũng gây hiệu ứng ngược, mất niềm tin của người tiêu dùng. Nói như thế để thấy, muốn làm GAP bền vững cho trái cây thì sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết, nhưng cũng cần không kém là tư duy đổi mới của nông dân và doanh nghiệp trong xu thế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay.
Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Đặng Kim Sơn nhận định: Người dân nơi đây đã và đang khai thác cạn kiệt tài nguyên đất, nước, dinh dưỡng để làm ra sản phẩm giá rẻ, đa dạng về chủng loại, nhưng chất lượng lại thấp, chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ yếu tiêu thụ trong nước với giá trị không cao. Đất, nguồn nước bị ô nhiễm, cùng với việc lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát làm cây chết hàng loạt thời gian qua, như vú sữa Lò Rèn, quýt hồng, quýt đường ở Lai Vung... Đây là điều đáng báo động, nếu chúng ta không nhanh chóng quy hoạch lại toàn vùng cây ăn trái, áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, thì nguy cơ “xóa sổ” nhiều loài cây đặc sản là điều sẽ đến trong tương lai gần.
Thực tế, những vấn đề như hình thành vùng chuyên canh, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm đã được đề cập nhiều trong những năm qua, nhưng quá trình triển khai thực hiện lại quá chậm chạp. Về vấn đề này, ông Đặng Kim Sơn đề xuất: ĐBSCL cần hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP trên cơ sở ưu tiên xây dựng thương hiệu cho một số loại đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Muốn làm được như vậy, phải đẩy mạnh mối liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp. Khi sản phẩm sản xuất theo chuẩn GAP có đầu ra ổn định và giá bán cao thì việc thu hút người dân vào các HTX, tổ hợp tác sản xuất theo quy trình là không khó. Bên cạnh đó, cần cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo thuận lợi cho vận chuyển, phân phối sản phẩm, tiếp sức cho việc mở rộng mô hình GAP. Chúng ta nên học hỏi mô hình trồng cây ăn trái ở các nước tiên tiến, như Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc. Cánh đồng của họ ngay hàng thẳng lối, thuận lợi cho cơ giới hóa ở hầu hết các khâu. Sau khi thu hái, các loại trái cây được đưa lên ròng rọc, chuyển về các nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản. Những vùng trồng chuyên canh cũng rất gần đường cao tốc, sân bay, cảng nước sâu để phục vụ việc chuyên chở. Nhìn lại khu vực ĐBSCL - vùng sản xuất trái cây lớn nhất của cả nước, tôi chưa thấy có mô hình nào hoàn hảo như vậy.
Hiện nay, trái cây ở ĐBSCL mới chỉ xuất khẩu từ 10 đến 15% sản lượng, còn lại là tiêu thụ trong nước với chất lượng và giá thấp. Nguyên nhân lớn nhất do trái cây chưa đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của đối tác nhập khẩu. Như nhận định của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, dư địa cho xuất khẩu trái cây trên thế giới hiện còn rất lớn, nhưng dư địa đó chỉ chấp nhận những sản phẩm có chứng nhận với yêu cầu về chất lượng, mẫu mã ngày càng cao. Vì vậy, dù gian nan đến mấy, người dân ĐBSCL cũng cần sớm “phủ sóng” các tiêu chí thực hành nông nghiệp tốt cho cây trái của mình.
"Thực tế, các quốc gia sản xuất trái cây chất lượng cao hàng đầu thế giới hiện nay như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Ô-xtrây-li-a... cũng đều trải qua giai đoạn khủng hoảng như tình trạng sản xuất ở ĐBSCL hiện nay, nhưng họ đã thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, từ cải tạo nguồn đất, nước, lai tạo giống, đến ứng dụng công nghệ cao, điều chỉnh giá trị dinh dưỡng của sản phẩm từ trong gen... Việt Nam cũng cần có một cuộc cách mạng như thế trong thời gian tới" -Tiến sĩ Thái Đông Soán (Chuyên gia cây ăn quả tại Đài Loan, Trung Quốc).