Vùng núi Cấm (huyện Tịnh Biên, An Giang) nông dân chỉ trồng hoa màu và một số cây ăn trái bản địa, vài năm gần đây, nhiều người đã trồng thử cây bơ, loại cây trước đây chỉ có thể trồng ở vùng đất Tây Nguyên.

Hiện cây bơ sáp đang được thay thế nhiều rẫy hoa màu trên núi Cấm, chủ yếu là giống bơ sáp da xanh. Gần đậy, một số hộ dân trồng thử giống bơ Booth mới có xuất xứ từ Mỹ, cây phát triển rất tốt trên đất núi. Do là cây trồng mới nên người dân chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên năng suất chưa đạt cao nhưng chất lượng trái vẫn tốt. Giá bơ sáp đầu vụ thương lái thu mua 40.000 – 45.000 đồng/kg.

Anh Trần Hoàng Anh, ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên trồng gần 50 gốc bơ sáp cho biết, cây trồng từ 3 năm cho trái. Do người dân trồng xen dưới tán rừng nên cây chậm lớn và cho trái, trái không sai bằng các vùng trồng chuyên canh. Nhưng nhờ lấy ngắn nuôi dài cây bơ giúp người dân có thu nhập ổn định. Bình quân mỗi mùa bơ gia đình anh Hoàng Anh thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Gần đây, nhờ giá bơ tăng cao nên người dân bắt đầu chăm sóc nên cây cho trái sai hơn, trái lớn và đẹp hơn so với trước đây.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Si Sô Vath, PCT Hội nông dân xã An Hảo (Tịnh Biên), cho biết: diện tích trồng bơ sáp trên núi cấp còn khoảng 15ha, để phát triển cây đặc sản này sắp tới xã kết hợp với ngành nông nghiệp huyện xây dựng mô hình trình diễn trồng bơ sáp, sau đó sẽ nhân rộng.

Ngoài núi Cấm trồng bơ sáp, hiện nhiều nơi ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cũng trồng cây bơ sáp thành công, cây phát triển tốt, năng suất cao và chất lượng ngon như ở các tỉnh Tây Nguyên.