Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa, vùng núi mùa Đông lạnh, còn mùa Hè nhiều mưa. Đây chính là điều kiện thuận lợi để cây lúa phát triển.
Vùng lòng chảo Điện Biên mang đặc điểm khí hậu sinh thái của vùng Tây Bắc với khí hậu được hình thành do tác động tương tác giữa điều kiện địa lý, hoàn lưu khí quyển và bức xạ mặt trời. Ở đây có chế độ bức xạ nội chí tuyến, có cơ chế hoàn lưu gió mùa với sự tương phản sâu sắc giữa mùa Hè và mùa Đông.
Vùng lòng chảo Điện Biên nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa núi cao, có hai mùa rõ rệt: Mùa lạnh và khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ thấp, ít mưa, lượng bốc hơi nước lớn, ẩm độ thấp. Mùa nóng, ẩm từ tháng 4 - 10, nhiệt độ cao, mưa nhiều và tập trung vào tháng 5 - 8, lượng bốc hơi nhỏ, độ ẩm cao.
Nhiệt độ
Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa, vùng núi mùa Đông lạnh. Suốt mùa Đông duy trì một tình trạng khô hanh điển hình của khí hậu gió mùa, còn mùa Hè nhiều mưa. Nét đặc trưng khí hậu ở tỉnh là sự phân hoá đa dạng theo dạng địa hình và theo mùa. Nhiệt độ trung bình năm thay đổi theo độ cao địa hình. Vùng thấp dưới 300m nhiệt độ trung bình năm cao, đạt 23 độ C, ở độ cao khoảng 750 - 800m đạt 20 độ C; giảm xuống 16 độ C ở độ cao khoảng 1.550 - 1.660 m.
Tại khu vực lòng chảo Điện Biên, nhiệt độ trung bình từ năm 1980 - 2012 là 22,4 độ C. Nhiệt độ bình quân năm ổn định trong giai đoạn trước năm 2000. Từ năm 2000 trở lại đây, nhiệt độ trung bình năm trên khu vực lòng chảo có xu thế tăng nhẹ, nhiệt độ bình quân năm 2011 đạt 22,95 độ C, năm 2012 đạt 23,16 độ C.
Mặc dù là một tỉnh miền núi có nhiệt độ trung bình tương đối thấp, nhưng do đặc điểm khí hậu vùng Tây Bắc ít chịu ảnh hưởng của gió mùa đông Bắc nên nhiệt độ trung bình các tháng trong năm của trạm Điện Biên phân bố đều ngay cả các tháng mùa đông, nhiệt độ trung bình/ngày cũng từ 16,1 - 26,0 độ C.
Nhiệt độ trung bình tháng trong năm giai đoạn 1980 - 2012 ổn định về xu thế, theo đó từ tháng 3 - 11 nhiệt độ trung bình tháng cao hơn 20 độ C, các tháng còn lại nhiệt độ khá cao, đặc biệt là từ tháng 5-9 (nhiệt độ cao hơn 25 độ C. Dựa trên xu thế biến động về nhiệt độ có thể thấy, quá trình phát triển của cây lúa, đặc biệt là giai đoạn trổ bông và vào hạt nằm trong khoảng nhiệt trung bình tháng 20 - 25 độ C.
Tổng tích ôn ở khu vực sản xuất lúa đạt trên 8.000 độ C, mùa đông ít khi có sương muối và băng giá. Nhiệt độ tối cao tuyệt đối ở khu vực lòng chảo Điện Biên vào tháng 5 với 38,6 độ C, thấp hơn các tỉnh trung du miền núi và Đồng bằng bắc bộ khác (Lai Châu, Hòa Bình từ 41 - 42 độ C, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền trung từ 39 - 40 độ C).
Nguồn: Trạm khí tượng thủy văn Điện Biên (khu vực lòng chảo).
Biên độ nhiệt ngày và đêm
Do nằm sâu trong đất liền nên tỉnh Điện Biên có nhiệt độ dao động mạnh trong ngày. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm đạt 9,5 - 10,5 độ C ở vùng thấp dưới 1.000m và dao động trong khoảng 7 - 9,5 độ C ở vùng núi cao trên 1.000m.
Mùa Đông, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, đạt tới 10 - 14 độ C ở vùng thấp dưới 1.000 m và đạt 8 - 10 độ C ở vùng có độ cao trên 1.000 m. Mùa mưa (tháng 6 - 9), trên địa phận toàn tỉnh, biên độ nhiệt ngày trung bình thường dao động trong khoảng 6 - 8 độ C.
Biên độ nhiệt vùng lòng chảo Điện Biên trung bình năm là 10,53 độ C, trong đó chia làm 2 thời kỳ đó là: Biên độ nhiệt ngày - đêm thấp từ tháng 6 - 8 với biên độ trung bình là 7,67 độ C, giai đoạn từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau có biên độ lớn, trung bình 11,5 độ C.
Tháng 3 là tháng có biên độ nhiệt cao nhất trong năm với 14 độ C, bắt đầu từ tháng 5 (mùa mưa), biên độ nhiệt ngày - đêm sẽ giảm nhanh, đạt cực tiểu vào tháng 7, 8 nhưng vẫn trong khoảng 7,4 - 7,5 độ C, giai đoạn ổn định nhất diễn ra từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, với biên độ nhiệt từ 11,5 độ C trở lên.
Số giờ nắng trong năm
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, số giờ nắng trong năm từ 1.820 - 2.035 giờ/năm; trung bình từ 115-215 giờ/tháng. Thời gian nhiều nắng nhất từ tháng 3 - 5, đạt từ 145- 220 giờ/ tháng, ngược lại 3 tháng mùa mưa, số lượng giờ nắng ít nhưng vẫn có từ 115 - 142 giờ/ tháng.
Là một vùng thung lũng rộng, do đó chế độ bức xạ và chiếu sáng của vùng lòng chảo Điện Biên dồi dào, số giờ nắng trung bình/năm tại khu vực lòng chảo Điện Biên đạt cao nhất so với các tỉnh phía Bắc, 2034 giờ/năm (các trạm vùng Đông Bắc chỉ có từ 1.400 đến 1.500 giờ, Đồng bằng Bắc Bộ từ 1.450 - 1.650 giờ). Tại vùng lòng chảo Điện Biên do ít mưa phùn nên từ giữa mùa đông (tháng 12) và đầu mùa xuân đã có nắng nhiều. Từ tháng 1 đến tháng 3, số giờ nắng từ 160 - 200 giờ/tháng, số giờ nắng các tháng 4 - 5 khoảng 200 giờ/tháng và các tháng 9 - 10 khoảng 171 giờ/tháng là khá cao.
Lượng mưa
Ở Điện Biên, lượng mưa dao động trong phạm vi khá rộng từ 1.400-2.500mm/năm. Khu vực vùng núi cao phía Tây Bắc tỉnh, thuộc Mường Nhé có lượng mưa lớn nhất, đạt 2.000 - 2.500 mm/năm. Các khu vực còn lại có lượng mưa dao động trong khoảng 1.500 - 2.000mm/năm. Như vậy trên đại bộ phận lãnh thổ tỉnh Điện Biên có chế độ mưa vừa. Mùa mưa dài 6 tháng từ tháng 4 - 9, lượng mưa của mùa mưa chiếm khoảng 75 - 92% lượng mưa năm.
Đối với khu vực vùng lòng chảo Điện Biên, tổng lượng mưa trong các tháng mùa mưa chiếm 70 - 80% lượng mưa năm. Chế độ mưa ở vùng lòng chảo không đều, tập trung chủ yếu vào tháng 6 - 9, thời gian còn duy trì ở mức độ vừa phải, không lớn. So sánh với các vùng khác như: Mường Lay, Tuần Giáo thì mùa mưa vùng lòng chảo đến và tăng chậm hơn (biểu đồ), đối với khu vực Mường Ảng thì thời gian mưa kéo dài và đến sớm hơn, đặc biệt trong các tháng từ 3 - 7 thì thời tiết hầu như không có mưa.
Ảnh: Gaonambinh.vn.
Một số đặc điểm khác
Ngoài những đặc điểm ở trên, vùng lòng chảo Điện Biên còn những đặc điểm thời tiết khác, cụ thể như:
Thời gian chiếu sáng dài, với tổng lượng bức xạ/năm trung bình 68,5 kcal/cm2/năm cao hơn các vùng trồng lúa của vùng Đông Bắc và Đồng bằng Sông Hồng, chỉ thường từ 55 - 65 kcal/cm2/năm.
Độ ẩm trung bình năm đạt 81 - 84%, vào mùa mưa từ tháng 6 - 9 độ ẩm tương đối trung bình cao nhất với 84 - 87 %. Các tháng 2 - 3 có độ ẩm trung bình thấp nhất, khoảng 71- 80%.
Vùng lòng chảo hầu như không có sương muối, đặc biệt là những khu vưc thấp dưới 300m. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hiệu ứng gió “Phơn” nên xẩy ra hiện tượng khí hậu khô nóng, mỗi năm có từ 5 - 30 ngày/năm.
Là một vùng lòng chảo rộng lớn, nằm giữa những dãy núi cao, thời tiết ở khu vực cánh đồng Mường Thanh đều có sự khác biệt so với các vùng khác trong tỉnh Điện Biên, đặc biệt là các yếu tố về nhiệt độ, lượng mưa và biên độ nhiệt ngày - đêm. Đây là những yếu tố quan trọng để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, góp phần tạo ra giá trị đặc thù của chất lượng gạo Điện Biên.