Sự cố ô nhiễm biển miền Trung khiến cuộc mưu sống của người dân ở khu vực gặp nhiều khó khăn. Để góp phần giải quyết thực trạng này,mô hình trồng sả trên vùng cát đã được ứng dụng tại Quảng Trị, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho bà con.
Mô hình trồng sả trên cát là dự án của Công ty Cổ phần Tổng công ty thương mại Quảng Trị. Trước mắt, mô hình được trồng thí điểm tại một số xã vùng cát ven biển thuộc ba huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong.
Sả là một loại cây dược liệu quen thuộc được dân trồng nhiều vì thích hợp mọi loai đất và dễ sinh trưởng, tuy nhiên trồng xả trên đất cát, đất cát mặn ven biển thì với người dân nơi đây, lần này mới là lần đầu tiên.
Sau một thời gian trồng thử nghiệm ở 4 xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh), Trung Giang, xã Gio Sơn (Gio Linh), Triệu An (Triệu Phong), Báo quảng Trị cho biết, với nhiều ưu điểm như là giống cây ngắn ngày, năng suất cao, dễ trồng, chịu được hạn hán và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên thời gian qua, dù gặp mưa rét kéo dài nhưng hầu hết diện tích sả trên cát vẫn phát triển tốt.
Không chỉ hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sả để cho năng suất cao nhất, Tổng công ty Thương mại Quảng Trị còn bao tiêu sản phẩm cho người dân, giúp họ yên tâm sản xuất.
Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị cho biết: theo ước tính của chúng tôi, mỗi héc ta đất cát người dân trồng được 2 vụ, mỗi vụ bình quân thu được 10 tấn thành phẩm, mỗi năm một héc ta cho 20 tấn thành phẩm. Công ty sẽ thu mua với giá khoảng 3 triệu một tấn, như vậy với 20 tấn sả trên một héc ta, người dân sẽ thu về được 60 triệu đồng, chưa kể các phụ phẩm như lá sả có thể bán cho những người có nhu cầu mua về sản xuất tinh dầu sả. Hiện chúng tôi đã ký hợp đồng với một đơn vị đối tác nước ngoài để xuất khẩu, như vậy người dân yên tâm về đầu ra sản phẩm.
Mô hình này thành công sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng biển vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn sau sự cố môi trường biển năm 2016.
Hiền Thảo