Thời gian qua, ngành KH&CN tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc quản lý trên 70 nhiệm vụ KHCN, với 56% dự án ứng dụng chuyển giao cho các sở, ngành và các địa phương. Trong đó, trên 70% đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ chế biến, ứng dụng công nghệ thông tin.
Các đề tài nghiên cứu KH&CN của tỉnh Lâm Đồng đã tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương.
Điển hình như việc quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý “Lâm Đồng”; phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh; truy xuất nguồn gốc; nghiên cứu, lựa chọn, phục tráng một số giống cây trồng bản địa có năng suất cao, chất lượng tốt; bảo tồn và phát triển những nguồn gen quý, hiếm đặc hữu trong tự nhiên trên địa bàn tỉnh; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu…
Hoạt động ứng dụng, chuyển giao KH&CN các cấp được triển khai đúng tiến độ, tiến hành lưu giữ và cấy chuyền nguồn gen của 109 giống cây trồng đặc trưng (như: Cúc, địa lan, chuối, hồng môn, phúc bồn tử,...) và 91 chủng, loại nấm ăn, dược liệu và vi sinh... từ nguồn gen lưu giữ. Sản xuất và cung cấp gần 69.000 cây giống, cây trồng các loại cho người dân trong tỉnh.
Tại buổi làm việc với Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái nhấn mạnh công tác xây dựng nhiệm vụ KH&CN là liên tục, các đề tài nghiên cứu phải có giá trị ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhằm biến KH&CN thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Với tiềm năng, lợi thế đặc thù của địa phương, ngành KH&CN tỉnh cần tập trung vào phát triển nông nghiệp, nghiên cứu giống cây trồng, phương thức canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, đặc biệt là nghiên cứu sản xuất giống tằm và các đề tài liên quan đến dược liệu, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý.
Bên cạnh đó, cần cải thiện công tác phát triển sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cũng lưu ý, trong những năm gần đây, hiện tượng sụt lún đất, trượt đất do tai biến địa chất thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, ngành KH&CN tỉnh cần "vào cuộc", quan tâm đến việc ứng dụng KH&CN một cách hiệu quả vào việc cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét; xây dựng bản đồ sạt trượt và giải pháp phòng, chống, xử lý sạt trượt; từ đó làm tốt công tác phòng chống thiên tai, hướng đến phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quy hoạch; hướng đến một tỉnh Lâm Đồng phát triển bền vững, xanh và tự nhiên.
Trang Anh