Là người Long An - tỉnh có diện tích và sản lượng thanh long đứng thứ hai cả nước - những sáng chế nổi bật nhất của kỹ sư (KS) Nguyễn Văn Cường đều hướng đến việc phục vụ những người sản xuất và kinh doanh loại quả đặc sản này.

Bỏ bục giảng chọn xưởng cơ khí

Trong xưởng cơ khí của mình tại ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, thành phố Tân An, Long An, KS Cường hết tiếp khách đặt hàng lại tư vấn cho khách qua điện thoại. Khuôn mặt sạm đen “bùi bụi” của Cường làm tôi giật mình khi biết ông từng có 3 năm đứng trên bục giảng.

KS Cường kể: “Tốt nghiệp đại học ngành cơ khí, tôi đi làm cho công ty Hàn Quốc, Nhật Bản. Nhưng tính tôi ngồi một chỗ không yên, lại muốn có xưởng riêng nên sau 2-3 năm, tôi nghỉ, làm giáo viên dạy nghề cơ khí và mở xưởng ở nhà”.

Tưởng đi dạy sẽ rỗi rãi để làm cho xưởng nhưng hoá ra Cường bận liên miên, đơn đặt hàng thì ngày một nhiều. “Tôi chỉ được chọn một trong hai mà thôi. Học trò đã theo tôi về làm, giờ tôi bỏ xưởng chúng nó tính sao. Vậy là tôi xin nghỉ ở trường về làm với các em” - KS Cường tâm sự.

Kỹ sư Nguyễn Văn Cường tại xưởng cơ khí của mình. Ảnh: Ngọc Vũ

Xưởng cơ khí chỉ hơn chục công nhân của KS Cường nhận đủ loại đơn hàng, từ máy trộn thức ăn gia súc tới máy cắt lục bình, thái rau, chuối. Xưởng không có hàng sẵn, ai đặt gì làm đó. “Khách cần gì sẽ mô tả trực tiếp với tôi. Ví dụ họ cần máy trộn thức ăn cho đàn lợn 10 con chẳng hạn, tôi sẽ tính toán để làm”.

Một lần đi qua vựa thanh long, thấy 5-6 phụ nữ ngồi băm dây thanh long để làm phân hữu cơ, KS Cường lấy làm lạ vì lâu nay đây là đồ bỏ đi. Việc xử lý nó là vấn đề đau đầu của cả chính quyền bởi khối lượng nhiều, phơi nắng mấy ngày không héo, vứt xuống nước thì ô nhiễm.

“Tôi nói sẽ chế máy xắt dây thanh long cho đỡ cực. Các cô ấy thủng thẳng bảo: “Ông có giỏi làm được thì làm”. Câu nói đó như lời thách thức nên cứ rảnh là tôi lại nghiên cứu cái máy” - KS Cường nói.

Sau hơn 1 tháng, chiếc máy ra đời, chạy bằng môtơ điện. Không nghĩ tới chuyện bán, ông chỉ để nhà dùng và cho hàng xóm mượn. Sau đó, khi nhận được đơn đặt hàng của Viện Cây ăn quả miền Nam, ông thực hiện một số cải tiến như thay động cơ xăng cho cơ động, có cảnh báo an toàn lao động.

Sản phẩm được mang đi giới thiệu ở nhiều nơi, được nhiều người biết đến hỏi mua, từ đó KS Cường mới làm bán. Đã có 40 máy được tiêu thụ, giá mỗi chiếc 12 triệu đồng.



Sáng chế được cả “cộng đồng thanh long” chờ đợi

Sáng chế mới nhất của KS Cường - máy rửa và thổi khô thanh long - được coi là sản phẩm “gãi đúng chỗ ngứa” của dân trồng và kinh doanh thanh long khu vực phía nam.

“Thanh long có những vết đốm phải rửa sạch trước khi đóng gói xuất khẩu. Khâu này thường tốn nhiều nhân công. Vào vụ, nhiều khi công nhân rửa tới 2-3 giờ sáng, làm cả tuần. Nếu không rửa kịp, để 1-2 ngày, hàng xuất khẩu thành hàng chợ. Vì thế, các chủ vựa rất ủng hộ tôi làm máy này, yêu cầu đặt ra là phải rửa sạch trên 90% bề mặt, không làm giập trái, gãy tai” - KS Cường kể. Ông lao vào nghiên cứu trong 3 tháng, bỏ ra hơn 100 triệu đồng để mua vật tư, thiết bị.

KS Cường nheo mắt nhớ lại: “Tôi thức đêm thức hôm để làm. Anh chủ vựa thanh long Khải Hoàn ủng hộ hàng tấn thanh long để thử máy. Anh ấy hào hứng lắm, thấy tôi muốn mua cái gì cũng nhận đi giúp, rồi góp ý này kia. Nhưng 3 tuần rồi 1 tháng, máy vẫn chưa ra đời, sự háo hức giảm đi. Người ta nói ra nói vào rằng ở Bình Thuận họ nghiên cứu lâu rồi mà có được đâu. Tôi nghĩ mình đã lỡ làm rồi, tiền đổ vào không ít, nếu bỏ ngang thì cái tôi mất không chỉ tiền bạc mà cả uy tín”.

Phiên bản đầu tiên, Cường tháo ra lắp vào 5-6 lần, thay tới vài cái bơm để thử áp suất nước. “Nhiều khi định cải tiến mà thành ra cải lùi; nhưng tôi có niềm tin lắm, bởi cảm giác được là sắp thành công rồi. Thanh long đưa vào rửa, có trái đạt, có trái không đạt, nghĩa là nó chỉ chưa hoàn chỉnh ở khâu nào đó” - KS Cường cười nói.

Ngày chiếc máy ra đời, bà con Tân An kháo nhau, hàng trăm người kéo tới xem. Đơn đặt hàng liên tiếp “giội đến” từ khắp các tỉnh, có tháng 5-6 chiếc. “Dân mua thanh long đi từ kho này tới kho kia, thấy có gì hay là họ đồn nhanh lắm” - Cường giải thích.

Tuy đắt hàng nhưng ông khẳng định luôn giữ tiêu chí chất lượng, mỗi sản phẩm làm ra nếu chưa ưng ý sẽ không bán: “Tôi có thể giao hàng chậm, xin lỗi và nghe các cô bác la mắng, nhưng sản phẩm đã giao phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật”.

Đến nay, máy xắt dây thanh long và máy rửa, thổi khô, đóng gói thanh long của KS Cường đã được Sở Khoa học và Công nghệ Long An hỗ trợ đăng ký cấp bằng độc quyền sáng chế. “Đơn đăng ký đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận, giờ chỉ chờ cấp bằng nữa thôi” - KS Cường chia sẻ.

Kỹ sư Nguyễn Văn Cường sinh năm 1982, tốt nghiệp khoa Cơ khí, trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, từng giảng dạy tại Trung tâm dạy nghề Bến Lức thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Long An. Sáng chế máy băm dây thanh long của anh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An trao giải ba tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông năm 2014 và được giới thiệu trong chương trình Sáng kiến giải pháp trên VTV2.

KS Nguyễn Văn Cường cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ nghiên cứu tạo ra quy trình đóng gói thanh long để toàn bộ quá trình từ thu hoạch, rửa, thổi khô đến đóng gói đều được tự động hóa hoàn toàn. Theo ước tính của ông, toàn bộ hệ thống dây chuyền này sẽ có giá khoảng hơn 500 triệu đồng.