Bằng việc đi Mỹ tìm cơ hội mở quán càphê sử dụng công nghệ sạch của mình vào cuối tháng 8, TS Nguyễn Bá Hải bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ làm cho đường phố Mỹ tràn ngập càphê Việt Nam, như càphê Ý đang chiếm lĩnh quán xá Việt bây giờ.

Là nhà khoa học, nhưng cái tên Nguyễn Bá Hải - trưởng nhóm nghiên cứu trọng điểm robot sinh học, trưởng khoa Sáng tạo và khởi nghiệp, Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM - thu hút cộng đồng mạng bởi cảm xúc lãng mạn mà những dự án của anh tạo ra.

Với việc thuyết phục được Thủ tướng tài trợ dự án “Mắt thần” cho người mù 1 triệu USD năm ngoái, hay từ chối bán công nghệ pha càphê sạch cho tây để tự mình triển khai ở Mỹ nhằm bảo đảm bản sắc Việt, nét hấp dẫn của Hải chính là khả năng mang đến cho cộng đồng những giấc mơ và cảm hứng biến nó thành hiện thực.

Tiến sỹ Nguyễn Bá Hải đeo thử nghiệm phiên bản mới của kính mắt thần vừa ra mắt.
Ảnh: Ngọc Vũ

“Mỗi sản phẩm, một câu chuyện riêng”

Được hỏi cuộc sống thay đổi thế nào khi trở thành hiện tượng trên mạng, TS Hải cười lớn: “Tôi tắt điện thoại 3 ngày vì bị gọi liên tục. Nhiều người nhận ra tôi hơn. Tôi vui vì có cơ hội chia sẻ với các bạn trẻ kinh nghiệm học tiếng Anh, tìm học bổng và nghiên cứu”.

Vừa nói chuyện, người từng từ chối lương trăm triệu ở nước ngoài để về nước vừa khoe sản phẩm càphê sạch đủ tiêu chuẩn xuất sang Mỹ và máy pha càphê đậm chất Việt, mang slogan “sạch, ngon, lợi, nhanh” của anh.

“Sạch là bởi chỉ cho càphê, nước vào và ấn nút là xong. Lợi là bởi thường một 1kg càphê pha được 30-35 ly, nhưng máy này cho số lượng gấp đôi. Ngon bởi hương vị phù hợp với gu của người Việt. Nhanh bởi chỉ mất 1 phút, thay vì 15 phút khi pha phin” - Hải giải thích và cho biết đã có doanh nghiệp nước ngoài đề nghị mua toàn bộ hệ thống máy móc và chuỗi càphê, nhưng anh không bán “Nếu bán thì văn hóa Việt Nam - điều tôi coi trọng - sẽ bị họ bỏ rơi. Tôi làm máy pha càphê là bởi yêu sâu sắc bản sắc văn hóa này, muốn giữ gìn và đưa nó ra thế giới”.

Hải hồ hởi khoe, càphê của anh đã được Phó Chủ tịch Starbuck và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thưởng thức: “Starbuck quá nổi tiếng, nếu tôi không đàng hoàng thì sao có cơ hội gặp họ. Cuối tháng 8, tôi đi Mỹ và tìm cơ hội mở quán càphê ở đó. Cách đây 20 năm, người Việt không hề biết đến càphê Ý, nhưng giờ mỗi con phố Sài Gòn, Hà Nội đều có quán càphê kiểu Ý. Tại sao không để 20 năm nữa, ở Mỹ tràn ngập càphê Việt Nam?”.

Để có sự tự tin này, nhà khoa học 33 tuổi từng trải qua những lần “ê mặt” khi khách được mời bỏ lại cả ly càphê trước mặt anh vì pha không ngon: “Tôi quê lắm, nhưng chấp nhận sự chỉ trích là cách tốt nhất để trưởng thành. Là dân nghiên cứu, nhưng tôi muốn mỗi sản phẩm có một câu chuyện riêng. Như kính mắt thần chẳng hạn, đó là giấc mơ giúp người nghèo, yếu thế”.

Nhà khoa học của người kém may mắn

Từ kính mắt thần tới máy pha càphê, nếu chuyển nhượng có thể TS Nguyễn Bá Hải sẽ trở thành tỷ phú; nhưng anh không chọn điều đó. Với kính mắt thần, Hải mong muốn “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục câu chuyện nhân văn này để có được hàng nghìn sản phẩm tới tay người mù”. Với mỗi cửa hàng càphê được mở ra, anh mong tạo việc làm cho sinh viên và người thu nhập thấp.

“Trải qua tuổi thơ nghèo khó nên khi có điều kiện, tôi muốn làm việc gì có ý nghĩa. Đó là năng lượng sống cho tôi” - TS Hải nói.

Sau khi ra mắt phiên bản kính mắt thần thứ hai hồi tháng 8, Hải đang triển khai phiên bản thứ ba. Anh cũng đang chế tạo balô xe lăn cho người tàn tật. “Nó nặng khoảng 5-7kg so với xe lăn thông thường nặng 15kg, có thể gấp gọn như chiếc balô. Giá cũng rẻ hơn 3-5 lần” - anh tiết lộ.

Điều dễ nhận thấy là các kết quả nghiên cứu của TS Hải đều thương mại hóa rất tốt. Kính mắt thần là dự án phi lợi nhuận, nhưng hiện đã có 30 khách hàng nước ngoài. Hệ thống càphê sạch cũng đã có tới 10 cửa hàng ở TPHCM. TS Hải chia sẻ: “Tôi không có bí quyết gì ngoài tâm niệm “hữu xạ tự nhiên hương”. Khi sản phẩm tốt, giá cả phải chăng và hữu ích thì người mua sẽ tự tìm đến”.

Tự nhận mình lười, “chỗ nào khó thì bỏ” nhưng TS Hải trong mắt sinh viên có sức làm việc phi thường. Trần Quốc Trung - cựu sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, thuộc nhóm nghiên cứu của Hải - kể: “Khi cả nhóm hết ý tưởng, thầy Hải thức thâu đêm cùng mọi người tranh luận, tìm hướng đi. Tôi đã chứng kiến sự tỉ mỉ của thầy khi nghiên cứu một bo mạch của kính mắt thần. Từng linh kiện được thầy kiểm tra cẩn thận trong các môi trường ánh sáng, nhiệt độ khác nhau. Có những đợt ngày thầy đi dạy, tối viết tài liệu, mỗi đêm chỉ ngủ vài tiếng”.

Với “sức cày” đó, đồng nghiệp của TS Hải không ai ngạc nhiên khi anh nhận đến 5 bằng sáng chế quốc tế khi mới 28 tuổi, được chọn là một trong các nhà khoa học trẻ gặp gỡ Thủ tướng vào tháng 9/2015.