Nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ, số tiền mà các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Ninh Bình nộp vào ngân sách năm 2015 là 1.500 tỷ đồng, chiếm hơn 40% nguồn thu ngân sách thường xuyên của tỉnh.
Với mục tiêu thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) để phát triển kinh tế - xã hội, Ninh Bình không chỉ tập trung đầu tư phát triển các khu công nghiệp mà còn ứng dụng nhiều thành tựu nghiên cứu, phát triển công nghệ mới vào nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
Tỉnh đã xây dựng 12 vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất đậu tương hàng hóa, dứa, thủy sản, hoa…
Ưu tiên dự án đầu tư công nghệ cao
Trong buổi làm việc mới đây với Đoàn giám sát Quốc hội về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật phát triển KH&CN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh xác định ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch…, trong đó xác định mũi nhọn là tập trung thu hút các nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất ôtô.
Một trong những doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao được thu hút đầu tư vào Ninh Bình là Nhà máy ôtô Hyundai Thành Công thuộc Khu công nghiệp Gián Khẩu, với chiến lược tập trung đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất. Đây là nhà máy duy nhất tại Việt Nam được Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) chuyển giao công nghệ lắp ráp các loại xe du lịch CKD (lắp ráp trong nước và linh kiện nhập khẩu).
“Thấm” chủ trương của tỉnh, các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương này luôn xác định việc ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết để thành công. Ông Nguyễn Thượng Tín - Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công - chia sẻ: “Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí, nhà máy đã tiến hành nâng cấp hầu hết các dây chuyền sản xuất.”
Ông Nguyễn Thượng Tín cũng cho biết, trong các dây chuyền được nâng cấp của Thành Công tại Ninh Bình có dây chuyền hàn thân vỏ với nhiều vị trí chính đã được đầu tư cải tiến gần như tự động hoàn toàn, với các robot thế hệ mới. Đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật của nhà máy đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới được chuyển giao này.
Cùng với Gián Khẩu, 2 khu công nghiệp khác cũng đang được tỉnh Ninh Bình tập trung đầu tư là Khánh Phú và Tam Điệp I với số vốn trên 1.000 tỷ đồng. Tỉnh chú trọng phát triển các dự án công nghệ cao như dự án Nhà máy luyện cán thép Kyoei, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Sanico Việt Nam...
Hầu hết các dự án có hàm lượng công nghệ cao trong các khu công nghiệp Ninh Bình đều tập trung ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp ôtô, phụ trợ ngành sản xuất ôtô, mang lại giá trị sản xuất lớn, doanh thu và xuất - nhập khẩu cao.
“Sự đầu tư này đã tạo nên hệ thống cơ sở hạ tầng đủ điều kiện để thu hút, kêu gọi đầu tư, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết các vấn đề việc làm, thu nhập” - ông Vũ Hoài Chương - Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình - nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp khu công nghiệp hằng năm tạo ra giá trị sản xuất từ 10.000-12.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 400-600 triệu USD, nộp ngân sách từ 600-800 tỷ đồng (riêng năm 2015 là 1.500 tỷ đồng, chiếm hơn 40% nguồn thu ngân sách thường xuyên của tỉnh).
Đặt hàng chuyên gia giải quyết vấn đề lớn
Không chỉ chú trọng phát triển công nghệ cao tại các khu công nghiệp, các thành tựu mới về KH&CN cũng được tỉnh Ninh Bình ứng dụng trong các ngành sản xuất khác để góp phần phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cạnh tranh. Tỉnh đã có 12 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gồm: Sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất đậu tương hàng hóa, dứa, thủy sản, hoa…
Tuy nhiên ông Thìn thừa nhận, trong giai đoạn 2005-2015, do điều kiện ngân sách còn hạn chế nên việc tăng cường tiềm lực KH&CN chưa thực hiện được nhiều. Vì thế, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu dành 2% tổng số chi ngân sách hằng năm cho hoạt động KH&CN.
Đặc biệt trong giai đoạn này, Ninh Bình sẽ thay đổi cơ chế quản lý KH&CN, tập trung đầu tư công nghệ mới, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường cơ chế đặt hàng nhằm huy động giới khoa học giải quyết các vấn đề lớn của địa phương.
Theo đó, Ninh Bình sẽ ban hành chính sách hút chuyên gia, cán bộ KH&CN, mời các nhà khoa học trong nước và quốc tế về làm việc tại các trường, các tổ chức KH&CN, trực tiếp tham gia các chương trình, dự án, hợp đồng chuyển giao công nghệ.
“Đề nghị Bộ KH&CN tăng cường hướng dẫn việc thực hiện cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN, chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và các địa phương thuận lợi trong việc tiếp cận các quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển KH&CN…” - ông Thìn kiến nghị.