Ông Đàm Xuân Lan cho biết, thời gian qua Hà Giang đã triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN thuộc các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, công nghệ, y - dược, nông - lâm nghiệp...
Giai đoạn 2014-2016, tỉnh đã nghiệm thu và đưa vào ứng dụng 27 đề tài, dự án. Trong đó, riêng trong lĩnh vực khoa học nông - lâm nghiệp, bên cạnh việc tập trung ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào tuyển chọn, phục tráng, bảo tồn các giống cây trồng đặc trưng của tỉnh, Hà Giang đã tập trung thực hiện chương trình phát triển nguồn dược liệu.
Cụ thể, tỉnh đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, điều tra, khảo sát và xây dựng chiến lược phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang”, xác định được danh mục các loại cây thuốc trong tỉnh gồm 1.565 loài thuộc 824 chi, 202 họ của 5 ngành thực vật có mạch bậc cao và 1 ngành nấm.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang và huyện Hoàng Su Phì kiểm tra tiến độ trồng cây dược liệu tại xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì). Ảnh: Phi Anh
Đề tài cũng xây dựng danh mục cây thuốc có khả năng khai thác và cây thuốc cần bảo vệ của Việt Nam được phát hiện ở Hà Giang; xây dựng 2 bản đồ về cây thuốc có khả năng khai thác và cây thuốc bị đe dọa tuyệt chủng, từ đó xây dựng được chiến lược phát triển cây dược liệu của tỉnh.
Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Giang xác định phát triển KH&CN phải đáp ứng yêu cầu giải quyết những vấn đề bức xúc của tỉnh về phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Mục tiêu là phát triển KH&CN mạnh mẽ ở tất cả các ngành, lĩnh vực để KH&CN thực sự là động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế, xã hội, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ngành, các cấp nhằm tạo ra những kết quả KH&CN có chất lượng, đưa Hà Giang sớm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của các tỉnh miền núi.
Một trong những định hướng nhiệm vụ mà địa phương xác định là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất các loại giống và thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo vùng sản xuất hàng hóa; phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế của địa phương vào phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỉnh sẽ thực hiện các dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất rau, hoa, dược liệu chất lượng cao trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để góp phần đạt mục tiêu trên, Hà Giang đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ kinh phí xây dựng triển khai dự án ‘‘Nghiên cứu xây dựng Trung tâm Bảo tồn và Phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang’’ thuộc Chương trình Tây Bắc, triển khai từ năm 2017. Dự án khoa học này khi được thực hiện sẽ là điều kiện thuận lợi giúp cho tỉnh Hà Giang triển khai thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương và vùng Tây Bắc.