“Cánh đồng lúa già dui của bà con chín vàng đều chứ không như trước đây có ruộng thì gặt rồi mà ruộng vẫn còn xanh, sâu bệnh giảm hẳn đi, năng suất tăng khoảng 7-10%.
Có được như vậy là nhờ áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến nhằm đạt các yêu cầu xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL)” - ông Bùi Minh Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Hà Giang - vui mừng chia sẻ.
10 xã của Xín Mần được đề xuất bảo hộ CDĐL
Già dui là giống lúa thuần đặc sản địa phương của huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, chủ yếu được trồng ở xã Thèn Phàng, Bản Díu, Chí Cà, Nàn Sỉn với độ cao thích hợp trên 1.000m. Lúa già dui gieo trồng vào cuối tháng năm đến trung tuần tháng sáu âm lịch, thời gian sinh trưởng từ 130-135 ngày, cho gạo thơm, dẻo.
Cánh đồng lúa Xín Mần chín vàng khi vào vụ. Ảnh: HữuThông
“Gạo già dui khi nấu thành cơm có mùi thơm đặc trưng, độ dẻo cao, khi ăn có thể cảm nhận được vị ngon, ngọt khác hẳn các loại gạo khác. Sản lượng bình quân đạt 53 tạ/ha, mức giá trung bình từ 10.000-11.000đ/kg thóc” - ông Hiệu cho biết.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xín Mần, năm 2015 toàn huyện có 211ha lúa già dui được gieo trồng. Tuy nhiên trong thực tế, cây lúa già dui chưa được người nông dân đầu tư thâm canh, không chủ động bảo vệ thực vật, chưa chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch.
“Lúa già dui cấy ở nhiều thôn, xã khác chất lượng gạo kém, lẫn với vùng lúa chất lượng thấp dẫn đến khách hàng không tin tưởng và nguy cơ mất thương hiệu là không thể tránh khỏi. Hộ nông dân tại vùng lúa già dui chưa xác định rõ việc cấy lúa để sản xuất hàng hóa nên chưa hình thành vùng sản xuất tập trung và cây lúa già dui chưa trở thành cây thu nhập chính” - TS Nguyễn Văn Toàn - Viện Nghiên cứu quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, chủ nhiệm dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Xín Mần” cho sản phẩm gạo tẻ già dui” nói.
Nhằm khai thác hiệu quả, tiềm năng lợi thế của gạo già dui trên cơ sở phát triển đồng bộ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, dự án đã được Viện Nghiên cứu quy hoạch nông nghiệp, nông thôn thực hiện. Theo dự án, sẽ đề xuất 10 xã, thị trấn của huyện Xín Mần được bảo hộ CDĐL.
“Từ năm 2015, Xín Mần đã giữ gìn thành công giống gốc gạo già dui nhằm tránh nguy cơ thoái hóa giống dưới sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang cũng như UBND tỉnh Hà Giang. Đến nay, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng CDĐL cho sản phẩm này” - ông Hiệu nhấn mạnh.
Áp dụng kỹ thuật mới dựa trên tập quán canh tác truyền thống
Theo TS Toàn, trong quá trình thực hiện dự án sẽ cung cấp cho bà con nông dân quy trình hướng dẫn kỹ thuật canh tác thâm canh và bảo quản lúa già dui. Quy trình này dựa trên kinh nghiệm sản xuất truyền thống của bà con nông dân gắn liền với đất đai, khí hậu và tập quán canh tác để việc xây dựng CDĐL thuận lợi hơn.
“Chúng tôi đã tiến hành điều tra tình hình canh tác của người dân từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy, bón phân đến chăm sóc và cuối cùng là thu hoạch và bảo quản để biên soạn ra quy trình này. Tương lai gạo già dui trở thành tài sản trí tuệ buộc người nông dân tuân thủ quy trình này thì mới được mang CDĐL tại vùng có địa danh Xín Mần” - TS Toàn chia sẻ.
Đặc điểm của quy trình canh tác này là khâu làm đất phải rất nhuyễn, cày đi cày lại nhiều lần cho đất tơi, khác hẳn ở đồng bằng chỉ cày một lần. Ngoài ra, việc bón rất nhiều phân hữu cơ không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho đất mà còn cải tạo đất, cải thiện tính chất vật lý của đất, làm cho đất tơi xốp.
Áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp bao gồm vệ sinh đồng ruộng, duy trì và bảo vệ các sinh vật có ích bằng cách không sử dụng hoặc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu. Hạt lúa sau khi sấy khô có hàm lượng nước đạt 13%, không cho mầm bệnh phát triển và hoạt động.
“Sau khi công bố quy trình kỹ thuật, bà con rất đồng tình ủng hộ, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn về điều kiện dân trí ban đầu. Để khắc phục, UBND huyện Xín Mần đã giao cho các trạm khuyến nông bám sát cùng bà con thông qua các lớp tập huấn. Đến nay, hầu hết những khu vực sản xuất lúa già dui đã được trồng đúng kỹ thuật, đúng thời vụ. Hiện bà con còn tự hướng dẫn nhau về quy trình giữ giống, cùng canh tác và sản xuất theo quy trình VietGap” - ông Hiệu chia sẻ.
“Việc bà con nông dân chủ động đầu tư, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào thâm canh có vai trò rất quan trọng đối với địa phương và góp phần phát triển một cách bền vững, cây lúa già dui sẽ trở thành một trong những giống cây mũi nhọn của địa phương” - ông Hiệu nói.
TS Toàn cho biết, dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Xín Mần” cho sản phẩm gạo tẻ già dui” tới đây sẽ xây dựng logo, tem nhãn, bao bì đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, tính chất pháp lý và mang tính hiệu quả… Qua đó, nhằm bảo vệ thương hiệu trên thị trường, nâng cao vị thế của sản phẩm gạo tẻ già dui huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.