Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - trước tình trạng ong ngoại ồ ạt vào Hà Giang, ảnh hưởng đến nguồn mật, ảnh hưởng đến uy tín của mật ong bạc hà Mèo Vạc.
Ong ngoại cướp mật, tiêu diệt ong nội
Theo ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, sau khi được cấp CDĐL, tốc độ tiêu thụ và sản xuất mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng gấp đôi, giá từ 200.000 đồng lên 400.000 đồng một lít.
Việc sản xuất mật ong đã tạo thu nhập lớn cho bà con 4 huyện có CDĐL (Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh) và tác động mạnh mẽ đến kinh tế địa phương. Tuy nhiên, hiện lượng hoa bạc hà không đủ cung cấp cho ong do sự xuất hiện của các đàn ong ngoại.
Ông Đàm Xuân Lan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang - xác nhận, tỉnh đang gặp vướng mắc trong việc cung cấp nguồn hoa bạc hà nên việc bảo vệ, khai thác CDĐL mật ong hoa bạc hà Mèo Vạc không được thuận lợi.
“Gần đây, có nhiều người nuôi ong ngoại đến Hà Giang nhưng chưa đăng ký kinh doanh. Nguồn hoa bạc hà tự nhiên ngày càng thưa thớt, nếu nuôi ong ngoại thì không đủ thức ăn” - ông Lan nói.
Anh Thào Mí Chá (22 tuổi, người dân tộc Mông) ở Mèo Vạc kiểm tra cầu ong giữa đồng hoa bạc hà. Ảnh: Loan Lê
Ông Cường cho biết, giống ong nội chăm chỉ, chịu kham khổ tốt nên khi nguồn mật hạn chế, giữa các đàn ong địa phương hầu như không có hiện tượng cạnh tranh. Còn ong ngoại khỏe hơn, có thể cướp mật, tiêu diệt các đàn ong nội. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc giống ong chưa được quan tâm đúng mức nên dịch bệnh trên đàn ong vẫn còn xảy ra.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - bày tỏ: “Diện tích hoa bạc hà hiện có chỉ đủ cho số đàn ong của tỉnh nên rất mong các cá nhân, tổ chức không đưa ong ngoại vào nữa vì chúng sẽ tiêu diệt ong nội, tranh chấp nguồn mật. Việc các doanh nghiệp ngoại tỉnh chuyển ong lên kèm theo nhiều tấn đường sẽ dẫn đến khó kiểm soát chất lượng mật, khiến thương hiệu bị lẫn lộn, giá trị sản phẩm bị mất”.
Dựa vào tiêu chuẩn CDĐL để sản xuất mật ong
“Nhiều người Hà Giang khai thác mật - vì lợi nhuận trước mắt - đã thực hiện sai quy trình sản xuất mật ong bạc hà, thức ăn là đường chiếm tỷ lệ cao, quy trình quay mật chưa đảm bảo... nên chất lượng mật kém. Tình trạng làm giả mật ong bạc hà vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến việc khai thác CDĐL mật ong bạc hà Mèo Vạc” - ông Cường phản ánh.
Cũng về vấn đề này, ông Đàm Xuân Lan cho biết, hiện chưa có tiêu chuẩn để phân biệt mật ong bạc hà Mèo Vạc và mật của đàn ong từ nơi khác đến nên chưa ngăn được tình trạng sản phẩm không thuộc vùng bảo hộ CDĐL được bán với cái tên mật ong bạc hà Mèo Vạc.
Theo TS Nguyễn Văn Trọng “Để đảm bảo chất lượng mật, nếu mật độ hoa bạc hà dày thì nên nuôi không quá 40 đàn/ha, khoảng cách giữa các điểm nuôi tối thiểu 2km, mỗi điểm không quá 100 đàn”. Chất lượng mật cao nhất khi tận dụng được triệt để nguồn hoa tự nhiên. Nếu nguồn thức ăn chủ yếu là đường thì chất lượng mật sẽ giảm”.
“Để bảo vệ CDĐL mật ong bạc hà Mèo Vạc, Hà Giang cần có kế hoạch phát triển đàn ong phù hợp với nguồn hoa bạc hà, kiểm soát chặt chất lượng mật, đưa ra quy chuẩn chất lượng tại các cơ sở nuôi ong theo đúng CDĐL mật ong bạc hà Mèo Vạc nhằm tránh gian lận thương mại. Đặc biệt, 4 huyện có CDĐL cần có định hướng cụ thể và lâu dài cho việc sản xuất mật ong và bảo tồn ong nội” - ông Trọng nói.
Ông Lan cho biết thêm: “Chúng tôi đang xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm mật ong bạc hà được cấp CDĐL Mèo Vạc và sẽ cấp chứng chỉ để các cơ sở nuôi ong tự kiểm tra, đánh giá nhằm cho ra sản phẩm đúng tiêu chuẩn. Tới đây, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh để ban hành quy định về sử dụng CDĐL và tiêu thụ sản phẩm mật ong, có in tem nhãn để đảm bảo sự kiểm tra, giám sát sản phẩm này trên địa bàn”.
Theo các quy định về sở hữu trí tuệ, sản phẩm từ các giống ong ngoại hoặc ong được nuôi ngoài địa bàn 4 huyện kể trên không được ghi nhãn hiệu là mật ong bạc hà Mèo Vạc, kể cả khi đàn ong được nuôi bằng mật hoa bạc hà.