Hiện các trà dưa kim được thâm canh tại các tỉnh ĐBSH đang trong giai đoạn từ tuyển đến nuôi quả. Đây là giai đoạn cây dưa rất hay mẫn cảm với các loài sâu bệnh, nhất là khi gặp thời tiết có mưa ẩm kéo dài.
Để cây dưa sinh trưởng và phát triển thuận lợi, tránh được sâu bệnh gây hại mạnh làm ảnh hưởng đến năng suất, phẩm chất quả, người trồng cần lưu ý và tác động tốt một số biện pháp kĩ thuật sau:
|
Tham quan và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc dưa kim mang quả |
- Điều chỉnh độ ẩm thích hợp: Cây dưa kim và các loại dưa khác thời kì tuyển quả có bộ rễ phát triển rộng dài, hầu hết đầu mút các rễ đã bò lan xuống tận dõng luống. Do đó nếu gặp thời tiết mưa ẩm kéo dài thì người trồng không nên giữ nước trong các dõng luống vì khi để các đầu mút rễ ngập nước lâu sẽ làm thối hỏng chóp rễ dẫn đến cây ngừng phát triển, úng nước và chết rũ dần.
Nông dân cần khẩn trương nạo vét dõng luống để nước thoát hết ra khỏi ruộng, dõng luống dưa được khô ráo và ẩm là đủ. Việc giữ nước nhiều trong ruộng lúc này còn làm cho phần thân tiếp giáp đất (cổ rễ) dễ bị thâm đen thậm chí là lở bung ra do nấm trong đất tấn công.
- Bấm nhánh, tuyển quả: Việc bấm nhánh, tỉa bớt các quả không định là việc làm thường xuyên và quan trọng khi chăm sóc dưa kim trong giai đoạn này. Xong nếu không cẩn thận và đúng cách thì việc làm này cũng sẽ khiến cây dưa dễ bị nhiễm bệnh do nấm và vi khuẩn tấn công qua vết trầy xước làm dây dưa bị thối nhũn rồi héo chết.
Tốt nhất nên bấm nhánh và tỉa bỏ quả ngay từ khi nhánh, quả mới ra, không nên chậm trễ để nhánh hay quả phát triển dài, to rồi mới cắt bỏ sẽ làm tiêu hao dinh dưỡng của cây và thân dưa dễ bị thối hỏng. Công việc bấm nhánh, tỉa quả cần được tiến hành vào lúc khô ráo trong ngày, không nên ngắt bỏ vào lúc đang mưa hay thân dưa ẩm ướt.
Dưa kim có đặc điểm không cần thụ phẩn bổ sung và có khả năng ra quả rất nhiều, liên tục nên người trồng chỉ giữ quả ở những vị trí tốt nhất (giữ 1 - 2 quả/cây) còn lại là khử bỏ.
* Lưu ý:
+ Trên các nhánh mang quả (nông dân quen gọi là tay hoặc chèo dưa) khi loại bỏ chỉ cần bấm quả non phía trên, cần giữ lại các lá phía dưới chèo nhằm quang hợp để nuôi quả sau này. Ngọn chính dây dưa khi đã bò hết mặt luống cần ngắt ngọn ở sát mép luống phía đối diện gốc, không nên quay đầu ngọn cho bò tiếp vào luống hay bò lan xuống dõng, chỉ cần để số lá sao cho che kín trên mặt luống và không chồng chéo lên nhau nhằm giảm thiểu sâu bệnh hại sau này.
+ Khi quả chuyển mã vàng cần dùng xốp kê quả để quả vàng đều và không bị thối hỏng (2 miếng xốp nhỏ đặt song song giữa có khe hở và đặt quả dưa nằm ngang trên 2 miếng xốp đó). Thời tiết có mưa kéo dài tốt nhất nên làm khung ni lông che mưa cho dưa.
|
Kê quả cho dưa kim bằng miếng xốp |
- Phòng trừ sâu bệnh kịp thời: Như trên đã nói cây dưa thời kì mang quả rất mẫn cảm với các loài sâu bệnh hại. Nếu không kiểm soát tốt năng suất, phẩm chất dưa quả sau này sẽ giảm đáng kể. Người trồng cần lưu ý ngay sau khi bấm ngọn, khử quả cần sử dụng một trong số các loại thuốc có chứa các hoạt chất chống nấm và vi khuẩn như: Steptomycin, Polycin, Ningnamycin, Oxolinic Acid,... phun ngừa bệnh kịp thời cho dưa. Ngoài ra cần kiểm soát tốt các loài sâu bệnh khác như: Bọ phấn, ruồi vàng, sâu đục quả, bệnh phấn trắng, giả sương mai...
Trồng dưa kim, lượng dinh dưỡng chủ yếu được bón vùi vào đất lúc lót. Giai đoạn cây mang quả người trồng chỉ cần bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng kali và vi lượng cho cây để quả tăng trọng lượng, chất lượng, mẫu mã ngon, đẹp hơn. Tùy theo khả năng sinh trưởng và phát triển của mỗi ruộng, giống dưa mà nông dân có thể bổ sung thêm từ 2 - 5kg kali/sào (chia 2 lần tưới) và phun phân siêu vi lượng qua lá cùng với các lần phun thuốc BVTV. Nên hòa kali vào nước thành dung dịch rồi tưới vào các má luống chỗ tập trung các đầu mút rễ dưa, không nên tưới vào gốc dưa sẽ dễ làm nổ gốc. Việc phun thuốc BVTV và bón phân cuối vụ cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng để dưa quả được an toàn, chất lượng khi thu hái. |