Các địa phương khi triển khai chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội (Chương trình Nông thôn – Miền núi) đều khẳng định kết quả đạt được của các dự án/nhiệm vụ thuộc chương trình.

Qua đó đã cho thấy vai trò ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển sản xuất những sản phẩm đặc thù của vùng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Tuy vậy để nâng cao hơn nữa hiệu quả của chương trình, theo giám đốc của một số sở KH&CN chương trình cần có một số sự thay đổi về mô hình về cơ chế chính sách.

ThS Trần Văn Vân - Giám đốc sở KH&CN tỉnh Bình Phước: Cần cơ chế ràng buộc để sản phẩm ra thị trường

Bình Phước là một trong những tỉnh còn nhiều khó khăn, việc triển khai ứng dụng công nghệ mới và khả năng thu hút các tổ chức KH&CN đến tham gia triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế.

Mặc dù vậy, từ năm 2000 - 2015, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ KH&CN, Bình Phước đã triển khai được 12 dự án thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi với tổng kinh phí gần 82 tỷ đồng, giúp địa phương tiếp nhận, làm chủ các công nghệ mới trong nâng cao năng suất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi đặc sản của địa phương như điều, tiêu, cao su…; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học, công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, chế biến nông sản sau thu hoạch, đáp ứng cho nhu cầu xuất nhập khẩu.

Từ thực tế kết quả đạt được của các mô hình trình diễn, ban chủ nhiệm dự án cùng cơ quan chủ trì chuyển giao công nghệ đã phối hợp tổ chức tập huấn, phổ biến những kết quả của dự án, góp phần đổi mới cách nghĩ và cách làm của người dân.

Để Chương trình Nông thôn – Miền núi đạt kết quả cao hơn nữa và có thể nhân rộng kết quả sau khi dự án kết thúc, tôi cho rằng cần có cơ chế ràng buộc để các cơ quan chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phối hợp chặt chẽ hơn nữa với địa phương trong việc giới thiệu, khảo nghiệm, công bố chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường.

Các dự án nông thôn miền núi do cơ quan nhà nước chủ trì cần có nội dung liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Cần có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp địa phương ứng dụng, phát triển công nghệ nhằm giúp người dân tiếp cận với khoa học, công nghệ mới nhanh nhất; tạo động lực tự đầu tư - đối ứng chủ động, khai thác nguồn vốn tiềm năng trong các tầng lớp nhân dân.

Trưng bày các sản phẩm từ các nhiệm vụ/dự án thuộc Chương trình Nông thôn - Miền núi giai đoạn 2010-2015. Ảnh: BN

TS Lê Ngọc Anh - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội: Cần sự "vào cuộc" thật sự của ba nhà

Nhìn tổng thể, các dự án thuộc Chương trình Nông thôn - Miền núi đã thật sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện.

Cụ thể đã giúp Hà Nội chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào các công thức luân canh để tăng hiệu quả kinh tế tổng hợp trên đơn vị canh tác, tăng khả năng sản xuất nông sản, thực phẩm nội tiêu và xuất khẩu; xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm an toàn và chất lượng như rau, quả, nấm, hoa các loại...; phát triển các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón vi sinh và các chế phẩm sinh học dùng trong bảo vệ thực vật quy mô vừa và nhỏ sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Để nâng cao hiệu quả của Chương trình Nông thôn - Miền núi, nhất thiết cần có sự “vào cuộc” thật sự của các nhà khoa học, chính quyền các cấp và nhà doanh nghiệp, đồng thời cần lồng ghép vào các chương trình dự án và các kế hoạch phát triển kinh tế có trên địa bàn thực hiện dự án nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về chính sách, hỗ trợ về kinh phí để thực hiện dự án có hiệu quả.


ThS Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam: Lựa chọn dự án từ nhu cầu thực tiễn

Có thể nói các dự án thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi đã mang lại hiệu quả nhiều mặt không chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, về bảo vệ môi trường. Các dự án cũng đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ tại chỗ nắm vững công nghệ và có thể tiếp tục duy trì và nhân rộng kết quả các mô hình, góp phần nâng cao năng lực tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của cán bộ địa phương.

Qua kinh nghiệm thực tế, Sở KH&CN Quảng Nam thấy rằng để nhân rộng kết quả sau khi các dự án kết thúc, trước hết việc lựa chọn dự án phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, giải quyết được đúng cái mà người dân, địa phương đang cần, mà muốn vậy người dân và chính quyền địa phương cần được tham gia ngay từ đầu, ngay từ khi xác định mục tiêu và nội dung dự án. Cần phải thảo luận với người dân để xác định họ cần làm gì, bản thân họ tự giải quyết được những vấn đề gì và cần hỗ trợ những nội dung nào. Những mô hình được lựa chọn để chuyển giao công nghệ là những mô hình đã khẳng định được tính hiệu quả, phù hợp về các yếu tố kinh tế kỹ thuật đối với địa bàn triển khai dự án.

Những mô hình của dự án phải có sức lan tỏa rộng. Để làm được điều đó, công tác lựa chọn địa bàn và lựa chọn những hộ gia đình có khả năng về kinh tế tham gia dự án, đặc biệt sự tự nguyện, say mê ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là rất quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, lựa chọn được đối tượng thực hiện dự án phù hợp là đã đảm bảo được 50% thành công cho dự án.