Sở KH&CN Bắc Giang vừa tổ chức hội đồng xét duyệt thuyết minh 2 dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016–2025.

Cụ thể là: Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình ương nuôi và nuôi thương phẩm cá trắm đen và cá rô phi đơn tính đực được sản xuất bằng công nghệ lai khác loài tại Bắc Giang” do Doanh nghiệp tư nhân Quảng Hiếu (Lạng Giang) chủ trì thực hiện từ 1/2018 đến 12/2019.


Cá trắm đen thương phẩm.

Dự án với mục tiêu hướng tới tiếp nhận thành công các quy trình ương nuôi giống và nuôi thương phẩm cá rô phi đơn tính và cá trắm đen phù hợp với nuôi trong ao đất; xây dựng thành công mô hình ương giống cá trắm đen với quy mô 7 nghìn cá hương, kích cỡ 2-3 nghìn cá thể/kg đưa vào ương nuôi và mô hình ương nuôi cá rô phi đơn tính với quy mô 280 nghìn cá hương, kích cỡ 7-8 nghìn con/ kg; xây dựng thành công mô hình nuôi thương phẩm cá rô phi đơn tính, cá trắm đen với tổng quy mô 4 ha; đào tạo 5 cán bộ kỹ thuật nắm vững phương pháp nuôi ương cá giống và cá thương phẩm giống trắm đen, rô phi đơn tính và tập huấn kỹ thuật cho hơn 200 lượt người dân.

Dự án: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất nghệ theo chuỗi giá trị và sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nghệ và phế, phụ phẩm nông nghiệp khác tại tỉnh Bắc Giang” do Công ty TNHH Techbifarm chủ trì thực hiện từ tháng 3/2018 đến tháng 4/2021, có tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.


Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền công nghệ sơ chế, sấy nguyên liệu và bảo quản nghệ theo tiêu chuẩn GACP; lắp đặt và vận hành dây chuyền chiết xuất curcumin thô trên cơ sở hoàn thiện quy trình công nghệ chiết xuất curcumin từ củ nghệ vàng quy mô công nghệ 20-25 kg curcumin/ mẻ theo kỹ thuật công nghệ hóa học xanh của Vương quốc Anh; xây dựng quy trình công nghệ và dây chuyền sản xuất 3 sản phẩm thực phẩm chức năng (dạng viên, dạng bột và dạng dung dịch); và xây dựng quy trình công nghệ và dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ từ bã nghệ sau khi chiết xuất curcumin đạt công suất 10-15 tấn/mẻ, sản xuất 100 tấn phân bón đạt tiêu chuẩn cơ sở.

Trong quá trình thực hiện dự án sẽ tổ chức đào tạo tập huấn quy trình công nghệ mới cho cán bộ và bà con nông dân.