Đó là kết quả dự án “Ứng dụng Khoa học và Công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây ba kích tại tỉnh Phú Yên” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, giai đoạn 2011-2015 vừa được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phú Yên nghiệm thu.
ThS Đặng Thị Thủy - Chủ nhiệm dự án cho biết, được triển khai từ tháng 5/2013 đến nay, nhóm thực hiện dự án đã tiếp nhận và làm chủ được 3 quy trình công nghệ phù hợp với điều kiện tại địa phương. Đó là mô hình vườn giống gốc 485 cây sống/500 cây đã trồng/500 m2 tại Trạm thực nghiệm Công nghệ Sinh học Hòa Quang, tỷ lệ sống đạt 97%.
Người dân Phú Yên trồng cây ba kích mang lại thu nhập cao. Ảnh: Phúc Lương
Từ vườn giống ba kích này, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ Phú Yên đã chủ động sản xuất cây giống bằng phương pháp giâm hom đạt 54.000 cây giống/năm và phục vụ lấy mẫu để tiếp đến nhân giống bằng phương pháp invitro; triển khai trồng vườn cây giống trong nhà lưới, nhân giống bằng phương pháp giâm hom; xây dựng mô hình trồng ba kích dưới tán rừng với 10 hộ dân tham gia, tổng diện tích 5,4 ha/16.000 cây tại huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, từ việc xây dựng thành công mô hình, dự án còn đào tạo được 2 cán bộ để thu thập, tuyển chọn giống, nhân giống, chăm sóc, nuôi trồng giống, 3 kỹ thuật viên theo dõi cây trồng và mở lớp tập huấn cho 100 hộ dân tham gia mô hình góp phần bổ sung giống cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, cung cấp nguồn dược liệu cho các cơ sở chế biến dược liệu, giữ gìn nguồn gene quý cho địa phương; đồng thời giải quyết vấn đề lao động thất nghiệp ở địa phương.