Có thể thấy qua 3 giai đoạn triển khai, các dự án của Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt về khoa học và công nghệ.

Khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế, nâng chất lượng cuộc sống của bà con vùng nông thôn miền núi tiếp tục là mục tiêu lớn được chương trình đeo đuổi ở giai đoạn 2016-2025.

Những con số biết nói

Nhìn lại số liệu tổng kết của 3 giai đoạn đã thực hiện (bắt đầu từ năm 1998 – 2015), Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (Chương trình Nông thôn – Miền núi) đã chuyển giao được 4.761 lượt công nghệ; làm chủ được công nghệ sản xuất một số giống sạch bệnh, có chất lượng cao, giá thành hạ, thay thế giống nhập khẩu từ nước ngoài; đào tạo được 11.063 kỹ thuật viên cơ sở và trên 1.725 cán bộ quản lý KH&CN ở địa phương; tập huấn 236.264 lượt nông dân tiếp nhận và làm chủ được công nghệ.

Các dự án nông thôn miền núi đang tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con nông dân.
Các dự án nông thôn miền núi đang tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con nông dân.

Minh chứng cụ thể như từ dự án sản xuất giống khoai tây bằng công nghệ khí canh tại Phú Thọ đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống khoai tây sạch bệnh có chất lượng cao tương đương với giống nhập khẩu và giá thành hạ chỉ bằng 50% so với nhập khẩu.

Điều đặc biệt, Chương trình đã xác định được công nghệ phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và được người dân đánh giá rất cao. Hiện đó có nhiều quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa phương được bà con nông dân ứng dụng rộng rãi trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Các dự án không chỉ xây dựng được các mô hình sản xuất có hiệu quả cho nông dân trong tỉnh học tập mà cả nông dân các tỉnh, thành khác cũng đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm và học tập làm theo.

Theo Văn phòng Chương trình Nông thôn – Miền núi, từ 845 dự án của Chương trình được thực hiện đã xây dựng được 2.501 mô hình sản xuất. Các mô hình này chính là những mẫu hình về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN có tính đại diện cho địa bàn triển khai, do chính người dân sau khi được tập huấn kỹ thuật trực tiếp thực hiện, đó chính là các điểm trình diễn cho các tổ chức và cá nhân người nông dân đến tham quan học tập, từ đó tạo được sức lan tỏa nhân rộng cho các tổ chức và cá nhân khác đầu tư vốn để tổ chức sản xuất nhân rộng kết quả của mô hình.


Tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động dôi dư ở nông thôn

Không chỉ tính hiệu quả kinh tế, mà ở góc độ hiệu quả xã hội, các dự án chuyển giao tiến bộ về nông thôn, miền núi cũng được đánh giá đã góp phần tích cực.

Ông Đỗ Tuấn Khiêm – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đánh giá, các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, phục vụ tích cực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi; đồng thời làm tiền đề cho các chương trình phát triển KT-XH khác của địa phương, nâng cao niềm tin và ý thức của người dân trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Thực tế, việc thực hiện các dự án của Chương trình Nông thôn miền núi đã mang lại hiệu quả xã hội rất lớn. Từ các dự án đã triển khai đã thu hút được 29.170 lao động trực tiếp và 99.473 lao động gián tiếp tham gia lao động sản xuất, nhất là khi các mô hình áp dụng kỹ thuật công nghệ được lan tỏa nhân rộng sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới góp phần đáng kể việc giải quyết lao động dôi dư ở nông thôn. Việc thực hiện các dự án đều đưa lại kết quả tốt làm tăng năng suất và chất lượng của cây trồng, vật nuôi, từ đó tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân tham gia dự án.

Không những thế, các dự án đã góp phần ổn định sản xuất bền vững, bình ổn giá cho người nông dân. Vì thế, các mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ nhanh chóng được nhân rộng góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, chống được việc chuyển dịch lao động tự do từ nông thôn lên thành thị.