Mô hình trồng thử nghiệm nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng tại Đồng Nai giúp tăng hiệu quả kinh tế và góp phần giữ rừng phòng hộ.
Hiện nay, có nhiều loài nấm Linh chi, nhưng nấm Linh chi đỏ được xếp vào nhóm dược liệu quý, có giá trị cao trong y học cổ truyền cũng như trong sản xuất và chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng. Nấm Linh chi đỏ chứa hàm lượng lớn polysaccharide, có tác dụng trong việc hỗ trợ, hoàn thiện hệ miễn dịch của cơ thể, chống oxy hóa,... Ngoài ra, nhiều thành phần trong nấm Linh chi đỏ có tác dụng tăng cường sự sinh trưởng và phát triển của các tế bào lympho, các bạch cầu đơn nhân,...
Một số phương pháp trồng nấm Linh chi đỏ nhân tạo đã được tiến hành. Tuy nhiên, nguyên liệu trồng nấm Linh chi đỏ là mùn cưa cao su ngày càng khan hiếm, đắt đỏ, dẫn đến chi phí đầu tư rất lớn.
Những năm gần đây, diện tích trồng cây keo lai và hoạt động chế biến gỗ keo lai được mở rộng, tạo ra một nguồn nguyên liệu trồng nấm mới. Riêng tỉnh Đồng Nai có trên 45.000 ha rừng trồng sản xuất, trong đó có khoảng 29.500 ha (65,6%) là rừng trồng keo lai. Doanh thu bình quân rùng keo lai 5 - 7 tuổi trở lên khoảng 100 triệu/ha/4 năm. Nếu tận dụng những cây gỗ nhỏ được loại bỏ khi tỉa thưa rừng keo để trồng nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng, sẽ cho doanh thu tăng hơn khi chỉ trồng lấy gỗ thuần túy. Ngoài ra, dưới tán keo thường ít cỏ mọc, nên dễ vệ sinh nếu trồng nấm, nhựa của lá keo rụng xuống cũng rất tốt cho đất nuôi phôi nấm.
Trong hơn hai năm thực hiện đề tài “Nghiên cứu mô lình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai ở Đồng Nai”, nhóm nghiên cứu ở Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã xác định được nguyên liệu tạo phôi giống nấm, kỹ thuật sản xuất phôi giống nấm linh chi bằng khúc gỗ keo lai. Đồng thời, nhóm xây dựng kỹ thuật trồng nấm trên rừng keo lai, kỹ thuật sơ chế bảo quản nấm linh chi sau thu hoạch, quy trình sản xuất giống nấm linh chi đỏ phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại Đồng Nai.
Theo nhóm tác giả, để nấm Linh chi đỏ sinh trưởng và phát triển tốt, rừng keo lai tuổi 4 - 6 cần được tỉa thưa ở mức độ 25% số cây và đất phủ bề mặt phôi nấm với độ dày từ 3 - 4 cm. Mùa khô, nấm cần được tưới nước 2 lần/ngày, với lượng nước 5 lít/m2/lần. Mùa mưa, nấm tưới nước theo chu kỳ 3 ngày/lần, lượng nước 10 lít/m2/lần. Nấm Linh chi đỏ được thu hoạch 2 đợt/năm, trong đó đợt 1 sau bốn tháng kể từ ngày gieo trồng) đợt 2 cách đợt 1 là 2,5 tháng.
Để bảo quản nấm Linh chi đỏ sau khi thu hái, nhiệt độ sấy chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 sấy ở 70°C trong hai giờ đầu; giai đoạn 2 kéo dài 3 giờ và cứ 25 phút điều chỉnh tăng thêm 5°C cho tới khi tổng thời gian sấy của hai giai đoạn đủ 5 giờ và nhiệt độ đạt 105°C.
Thử nghiệm cho thấy, hàm lượng dược chất Polysaccharide, Polyphenol, Terpenoid, p 1-3 D-glucan ,… của nấm Linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai bốn tuổi cao hơn so với rừng keo lai năm và sáu tuổi. Các kim loại nặng không xuất hiện trong các mẫu nấm. Vì vậy, Linh chi đỏ cần được trồng dưới tán rừng keo lai bốn tuổi để tăng dược tính của nấm.
Đề tài đã được Sở KH&CN Đồng Nai nghiệm thu, kết quả đạt và được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận có thể ứng dụng và nhân rộng mô hình.
Hiện ngành lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhân rộng mô hình trồng nấm linh chi đỏ cho người dân đang nhận khoán trồng và giữ rừng phòng hộ để nâng cao đời sống.