Sau 30 tháng triển khai thực hiện, Dự án “Xây dựng mô hình điểm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất quýt đường theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai” do Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ triển khai thực hiện đã được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tổng kết nghiệm thu.
Dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây quýt ở huyện Định Quán.
Hiện trạng canh tác quýt ở Định Quán
Để đưa ra các biện pháp kỹ thuật phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất quýt, dự án đã tiến hành nghiên cứu đánh giá hiện trồng quýt trên địa bàn huyện Định Quán. KS Đỗ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ, chủ nhiệm dự án chp biết, theo kết quả nghiên cứu, diện tích trồng quýt của huyện Định Quán ước tính khoảng 1.116 ha, tập trung chủ yếu tại các xã: Thanh Sơn, Phú Túc, Phú Tân, Phú Ngọc, trong đó xã Thanh Sơn là vùng trồng quýt truyền thống có diện tích, tuổi vườn cây lớn, nhà vườn có nhiều kinh nghiệm trong canh tác.
Có 3 giống quýt được trồng chủ yếu ở Định Quán là: quýt đường, quýt hồng và quýt tiều, trong đó có 87,50% nhà vườn trồng quýt đường. Đây là giống quýt có đặc tính sinh trưởng mạnh, dạng trái tròn, to, vỏ mỏng láng bóng, màu xanh đến xanh vàng, dễ bóc vỏ, thịt trái màu cam, vị ngọt thanh đậm. Giai đoạn kinh doanh, quýt đường có thể cho 600-1.000 quả/cây với khối lượng trung bình 100-120 g/quả. Hầu hết các nhà vườn cho rằng quýt đường cho năng suất rất cao, phù hợp với đất đai, khí hậu ở đây và dễ tiêu thụ.
Về hiện trạng canh tác quýt, các nhà vườn thường lạm dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật và bón phân không cân đối, hợp lý làm cho đất canh tác quýt ngày càng chai lì và mất cân bằng hệ sinh thái trong đất. Theo KS Đỗ Văn Thịnh, đối với các vườn quýt xen canh do trồng mật độ quýt thưa, chưa có biện pháp tỉa cành tạo tán phù hợp dẫn đến quýt bị cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng nên năng suất thấp. Bên cạnh đó, các vườn quýt có độ dốc cao dễ xử lý ra hoa song phải sử dụng giếng khoan để tưới, khó cơ giới hóa dẫn đến nguy cơ xói mòn, rửa trôi cao, dễ bị ngập úng… Ngoài ra, nhiều nhà vườn không làm rãnh thoát nước cho vườn cây, bón phân thì chưa chú trọng đến bón phân lân và vôi bột… Từ năm 2015 đến nay, diện tích trồng quýt tại huyện Định Quán có xu hướng giảm nhẹ và năng suất quýt có tăng nhưng chậm do các nhà vườn còn hạn chế về kỹ thuật canh tác, mặt khác do vườn quýt canh tác đã già cỗi…Đó là những hạn chế cần được khắc phục để năng suất và hiệu quả kinh tế trồng quýt có thể đạt cao hơn.
Xây dựng quy tringh trồng quýt đường theo tiêu chuẩn VietGAP
Kết quả nổi bật của Dự án là đã xây dựng được quy trình trồng và canh tác quýt cho địa phương, đồng thời chuyển giao kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng, đặc biệt là kỹ thuật trồng, xử lý ra hoa, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao chất lượng quả và xây dựng thương hiệu quýt cho huyện Định Quán.
Theo đó, Dự án đã xây dựng 3 mô hình trình diễn gồm: mô hình trồng mới và thâm canh cây quýt thời kỳ kiến thiết cơ bản; mô hình trồng xen ổi trong vườn quýt và mô hình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Kết quả, sau 18 tháng trồng, 2 ha mô hình trồng mới và thâm canh cây quýt thời kỳ kiến thiết cơ bản đã cho hoa (sớm hơn vườn đối chứng từ 1-2 tháng); trọng lượng trái đạt cao từ 143,43 - 153,82g, số trái thương phẩm trên cây đạt từ 170,45-177,83 trái, cao hơn so với vườn đối chứng. Sau 30 tháng trồng, năng suất tăng thêm từ 23,92-25,69% so với vườn đối chứng và chất lượng trái cũng cao hơn.
Đối với mô hình trồng xen ổi trong vườn quýt, sau 30 tháng trồng, chiều cao trung bình của cây trong mô hình đều tăng theo tuổi cây và chiều cao vượt trội so với đối chứng. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, trọng lượng trái, số trái thương phẩm đều tăng so với đối chứng. Năng suất tăng thêm 17-20,99% so với vườn đối chứng. Không những thế, nhờ mùi hương của hoa ổi xua đuổi rầy nên vườn trồng xen đã hạn chế được bệnh vàng lá gân xanh trên quýt. Còn với cây ổi trồng xen, hiệu quả kinh tế tăng 20,16% so với vườn trồng thuần ổi.
Dự án cũng đã xây dựng mô hình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAp với diện tích 5 ha tại. Chủ nhiệm dự án cũng cho hay, áp dụng sản xuất quýt đường theo tiêu chuẩn VietGAP mặc dù chi phí đầu tư có tăng lên nhưng giá bán quýt tại các nhà vườn cao hơn 2.800 đồng/kg so với quýt không trồng theo VietGAP do trái quýt có chất lượng ngon hơn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh và sản xuất đạt chuẩn VietGAP đã làm tăng năng suất trung bình 3 năm lên 18,92%, lợi nhuận thu được gần 530 triệu đồng/ha/năm và hiệu quả kinh tế tăng 46,32% so với đối chứng.
Ông Vũ Văn Luận ơ ấp 3, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, chủ vườn tham gia mô hình chia sẻ: Trước đây, vườn quýt của gia đình thường bị nhiễm sâu vẽ bùa khi cây ra đọt non, bệnh loét xuất hiện trên trái và lá, bệnh vàng lá thối rễ. Tuy nhiên, tham gia vào dự án, được hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo VietGAP như tỉa cành tạo tán, bón phân cân đối, đúng thời điểm, sử dụng phân hữu cơ hoai mục và các biện pháp chính trong quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)…đã giúp cho cây quýt trong vườn hạn chế nhiều bệnh hại, năng suất, chất lượng đều tăng.
Dự án cũng đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho quýt ở Định Quán.