Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau cần nước theo hướng VietGAP mà lợi nhuận của các nhà vườn đã tăng 1,5 lần so với trồng đại trà.
Xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai là vùng chuyên canh sản xuất rau cần nước từ rất lâu. Đến năm 2022, huyện có diện tích khoảng 40ha với tổng sản lượng khoảng 6.000 tấn/ha/năm. Khu vực canh tác rau cần nước ở Gia Kiệm có có lợi thế khác biệt mà không phải địa phương nào cũng có được. Chẳng hạn, địa hình nơi đây gồm các đồi đá thấp và phần đất trũng xen kẽ nhau, có nhiều trung vi lượng từ thạch đá non. Bên cạnh đó, vùng này còn có những giếng nước tự phun trào và nhà vườn đã tận dụng nguồn nước dồi dào này để phục vụ sản xuất rau cần nước.
Nhà vườn sản xuất rau cần nước ở xã Gia Kiệm có nhiều kinh nghiệm nhưng việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Thói quen sử dụng phân bón vô cơ, chất kích thích sinh trưởng và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học còn rất phổ biến, tràn lan nên sản phẩm có nguy cơ cao về dư lượng thuốc BVTV, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, người trồng rau.
Trước những yêu cầu cấp bách của người sản xuất và người tiêu dùng, Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai đã giao Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp bền vững (CSA) thực hiện đề tài “Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật sản xuất rau cần nước đạt chuẩn VietGAP tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai”, hướng đến xây dựng thành công mô hình sản xuất rau cần nước đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu tập thể “Rau cần nước Gia Kiệm” và đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau cần nước.
Theo nghiên cứu của CSA, ở Gia Kiệm, các nhà vườn thường sản xuất từ 3 – 4 vụ/năm. Số lần phun thuốc BVTV/vụ sản xuất trên 15 lần/vụ, có đến 87,5% số hộ điều tra và không có hộ nào áp dụng số lần phun thuốc dưới 10 lần/vụ. Dư lượng thuốc BVTV trên rau, khi phân tích 10 hoạt chất thuốc BVTV trên mẫu ra, thì chỉ không phát hiện 2 hoạt chất (Abamectin và Imdacloprid) và có đến 8 hoạt chất có dư lượng (Chlorothalonil; Mancozeb; Buprofezin; Fenobucarb; Phenthoate; Cypermethrin; Propineb; Profenofos), trong đó hoạt chất Mancozeb vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép của Bộ Y tế.
Đề tài đã nghiên cứu kỹ thuật đặt hom giống rau cần nước trên ruộng, che nắng bằng lưới. Đồng thời, nghiên cứu biện pháp cải thiện pH cho đất trồng rau cần nước. Trong đó, nhóm đã sử dụng chế phẩm R011 để nâng pH đất trồng rau cần nước giúp cây rau sinh trưởng phát triển tốt, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với sử dụng chế phẩm cân bằng pH và vôi bột. Nhóm cũng bổ sung dinh dưỡng cho rau cần nước bằng phân bón lá hữu cơ Kelpit, phòng trừ sâu xám gây hại rau cần nước bằng thuốc hóa học Cyper 25EC và sâu khoang bằng thuốc sinh học Go good One 5WG.
Kết quả cho thấy, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã làm cho năng suất trung bình của mô hình VietGAP cao hơn 10,7% và hiệu quả kinh tế cao hơn 47,04% so với trồng đại trà. (Theo CSA, năng suất trung bình rau cần nước sản xuất ở xã Gia Kiệm đạt 48 tấn/ha/vụ, cho thu nhập 528 triệu đồng/ha/vụ và lợi nhuận bình quân 161 triệu đồng/ha/vụ.) Đồng thời, mô hình mới còn giúp thay đổi được nhận thức của các nhà vườn về việc sử dụng thuốc BVTV và quản lý dinh dưỡng đất để đảm bảo môi trường tốt cho rau cần nước sinh trưởng phát triển đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lợi nhuận (sau khi đã trừ các chi phí) ở mô hình VietGAP khoảng 300 triệu đồng/ha/vụ, trong khi ở các ao rau cần nước sản xuất đại trà chỉ đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi tổng chi phí đầu tư cho mô hình VietGAP thấp hơn so với lô trồng đại trà từ 6-8 triệu đồng/ha/vụ.
Ngoài ra, các bên thực hiện đề tài cũng đã kết nối thị trường và xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau cần nước. Trong đó, các doanh nghiệp thu mua với giá 12.000 đồng/kg (cao hơn giá thị trường 5% so với thời điểm hiện tại), với sản lượng trên 500 tấn/năm.
KS. Lê Thị Chung, Chủ nhiệm đề tài, cho biết, sau khi được tuyên truyền, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng rau theo hướng VietGAP, cùng với lợi nhuận tăng lên đáng kể so với trước đây, các nhà vườn tại Gia Kiệm đã thay đổi được tập quán canh tác, nắm bắt được thời điểm nào thì nên dùng thuốc phòng và trừ sâu bệnh hại, đảm bảo an toàn cho sản phẩm trước khi thu hoạch.
Ngoài ra, nhóm thực hiện đã xuất bản sổ tay quy trình kỹ thuật sản xuất rau cần nước theo chuẩn VietGAP; xây dựng thành công mô hình sản xuất rau cần nước đạt chuẩn VietGAP, với 16 nhà vườn có tổng diện tích 68.800m2; xây dựng nhãn hiệu tập thể “Rau cần nước Gia Kiệm”.