Dây chuyền do nhóm tác giả ở Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ cơ khí Bách khoa chế tạo, giúp nâng cao chất lượng muối thô sau thu hoạch.
Huyện ven biển Cần Giờ (TPHCM) có khoảng 1.500 ha sản xuất muối với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Muối được sản xuất chủ yếu ở các xã Lý Nhơn, Thạnh An, Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh; trong đó xã Lý Nhơn có diện tích lớn nhất với hơn 830 ha.
Do công nghệ sản xuất còn lạc hậu, sản phẩm chủ yếu là muối thô, hàm lượng NaCl thấp, nhiều tạp chất, năng suất không ổn định, tiêu thụ khó, hiệu quả kinh tế không cao, khiến đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn. Hiện ở Cần Giờ cũng chưa có hệ thống chế biến muối tinh quy mô lớn, muối sử dụng hoàn toàn là muối thô. Bên cạnh đó, tính chất muối thô tại Cần Giờ không tương đồng nhau, tùy thuộc địa điểm thu hoạch. Cụ thể, muối thô Lý Nhơn chứa tạp chất Ca-Mg nhiều hơn so với muối thô Thạnh An, vì thế các mẫu muối này cần phải qua xử lý và tinh chế thì mới có thể sử dụng.
Trong đề tài "Nghiên cứu đề xuất công nghệ, thiết bị sản xuất muối tinh cho huyện Cần Giờ", nhóm tác giả ở Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ cơ khí Bách khoa (Trường ĐH Bách Khoa – ĐH Quốc gia TPHCM) đã chế tạo dây chuyền thiết bị năng suất 100kg/giờ và quy trình sản xuất muối tinh đạt tiêu chuẩn TCVN 3974:2015 từ nguồn muối thô, được sản xuất theo công nghệ phơi nước trải bạt.
Dây chuyền gồm các hệ thống các máy độc lập, như máy rửa thô, nghiền, rửa tinh, ly tâm, sấy, sàng, đóng gói. Từng mô-đun máy có thể điều chỉnh các thông số hoạt động để vận hành phù hợp với từng nguồn nguyên liệu muối đầu vào tại từng xã khác nhau của huyện Cần Giờ.
Theo nhóm nghiên cứu, muối Cần Thạnh và Lý Nhơn cần trải qua tối thiểu 2 lần rửa để đạt chuẩn muối tinh (muối thực phẩm). Dung dịch nước rửa có thể tái sử dụng cho các lần rửa sau khi áp dụng các phương pháp gạn lắng, lọc, trung hòa độ pH muối.
Theo nguyên lý hoạt động của dây chuyền sản xuất muối tinh, muối trải bạt sau thu hoạch được rửa thô để loại bỏ cặn bẩn trên bề mặt. Sau đó nghiền đến kích thước theo yêu cầu, rồi chuyển qua khẩu rửa tinh, để loại bỏ cặn bẩn trong hạt muối khi tách nhỏ trong quá trình nghiền. Muối tiếp tục được vào máy ty tâm đến khi độ ẩm còn khoảng 5%, sấy khô đến độ ẩm dưới 0,5%, rồi chuyển sang công đoạn sàng phân loại theo kích thước và đóng gói.
Dây chuyền sản xuất và tinh chế muối tinh do nhóm chế tạo được đưa vào vận hành sản xuất thử nghiệm tại HTX Cần Giờ Tương Lai, huyện Cần Giờ. Kết quả ghi nhận sự ổn định về năng suất, quy trình phù hợp với cách thức sản xuất muối tinh từ nguồn nguyên liệu muối trải bạt tại địa phương.
So sánh các chỉ tiêu chất lượng cho thấy, trước đó, muối Lý Nhơn hạt to (5mm), màu trắng ánh vàng, khô, hơi vón cục, sau khi áp dụng dây chuyền, muối trắng sáng, khô, rời rạc, hạt nhỏ 1mm. Các chỉ tiêu như độ ẩm, hàm lượng Nacl, tồng hàm lượng CaCl2, MgCl2 đối với muối Lý Nhơn trước đây là 8.08%, 91.35%, 4.25%, sau khi áp dụng dây chuyền thì các chỉ số lần lượt được cải thiện đạt dưới 6%, 97 – 98%, 0.37- 0.54% (theo tiêu chuẩn đối với muối thực phẩm, hàm lượng này là 1.35%). Chất lượng muối tinh đạt các chỉ tiêu theo TCVN 3974-2015 về muối thực phẩm.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.
Thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ muối như viên muối súc miệng, muối tắm thảo dược, muối ngâm chân, muối hải sản,... từ nguồn muối và hải sản của huyện Cần Giờ.