Nhờ truyền thông về tiết kiệm năng lượng, mỗi buổi học, Trường THCS Quảng Phú đã tiết kiệm được tổng cộng 25 phút không sử dụng điện trong 17/17 phòng học.
Với sự đồng hành của Enty và Đại sứ quán Mỹ, từ giữa tháng Hai năm nay, nhóm sáng kiến của trường THCS Quảng Phú đã thực hiện một chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về sử dụng điện tiết kiệm gắn liền với giữ gìn tài nguyên thiên nhiên cho học sinh. Kết quả, các hoạt động ngoại khóa như phát tờ rơi, vẽ tranh, phát thanh, tuyên truyền thông qua các hình thức múa hát tập thể, kịch, tiểu phẩm… đã thu hút sự tham gia của toàn bộ học sinh gồm gần 700 em, 38 giáo viên/nhân viên, cùng Đoàn xã và Hội phụ huynh của trường.
Cô Lê Thị Hảo, giáo viên tổng phụ trách, đại diện nhóm sáng kiến cho biết, tất cả những hoạt động đều nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản nhất về bảo vệ môi trường và giáo dục học sinh về những hành vi tiết kiệm năng lượng gắn với đời sống hằng ngày như tắt đèn, rút phích cắm khi không sử dụng, sử dụng đèn năng lượng mặt trời không phát thải khí nhà kính, tham gia giao thông xanh.
Học sinh cũng được giới thiệu về công nghệ Inverter tiết kiệm điện nhất hiện nay, hoặc cách chọn mua các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Các giáo viên trong trường cũng tích cực lồng ghép nội dung giảng dạy về ý thức tiết kiệm điện gắn liền với việc bảo vệ môi trường vào trong các tiết dạy STEM của mình.
Bên cạnh đó, trường còn triển khai một sáng kiến giúp tiết kiệm 25 phút không sử dụng điện mỗi buổi học nhờ việc chuyển hoàn toàn 15 phút sinh hoạt đầu giờ và 10 phút ra chơi giữa giờ từ trong lớp ra ngoài sân trường.
"Khi đó, các lớp sẽ tắt hết các thiết bị điện, còn trên sân trường sẽ diễn ra nhiều hoạt động ngoại khoá", cô Hảo cho biết.
Hoạt động tiết kiệm 25 phút mỗi buổi này sẽ được duy trì đến hết năm học, và có khả năng trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục trong những năm học tiếp theo.
Cô Hảo đánh giá, thông qua chiến dịch truyền thông, nhận thức của học sinh được nâng cao rõ rệt. Tất cả 17/17 lớp đã chủ động tắt 100% thiết bị điện trong thời gian quy định và cuối buổi học. Nhiều học sinh chọn tham gia giờ ra chơi xanh thay vì ngồi lại trong lớp. Một số em cũng cũng chuyển từ đi xe đạp điện một mình sang đi chung với bạn, hoặc chuyển từ đưa đón bằng xe máy sang đi xe đạp, đi bộ thành nhóm…
"Truyền thông thay đổi hành vi không phải là việc ngày một, ngày hai. Nó cần có tính bền vững và đổi mới, không đi theo lối mòn cũ để tránh nhàm chán cho học sinh", cô nói.
Nhóm sáng kiến dự định nhân rộng mô hình của mình tới một số trường khác, tạo tính lan tỏa trong cộng đồng địa phương.