Trong những năm gần đây, ĐBSCL đã phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng của hạn hán và lụt lội. Nếu dự đoán chính xác hơn thì nguy cơ rủi ro sẽ được giảm thiểu.

Với mục tiêu này, một nghiên cứu do TS. Tsuyoshi Watanabe (ĐH Hokkaido) và các thành viên ở ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) và Viện ĐỊa lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thực hiện đã tập trung vào tác động của hiện tượng Dao động nam (ENSO) lên lượng mưa ở ĐBSCL trong một thế kỷ qua. So với nhiều nghiên cứu khác, cách tiếp cận của họ rất độc đáo: tìm hiểu một rạn san hô ở Côn Đảo, nơi cách ĐBSCL 90km về phía Nam. Từ mẫu san hô thu thập được, họ đã xác định được những dao động theo tháng của nông độ muối trong nước biển. “Các rạn san hô như những vòng cây, thể hiện sự tăng trưởng theo thời gian của cây”, Watanabe nói trong thông cáo báo chí. “Các ‘vòng cây’ này lưu giữ thông tin về muối theo năm. Hồ sơ muối có thể liên quan đến sự tăng và giảm của lượng mưa ở ĐBSCL, nghĩa là liên quan đến hạn hán và ngập lụt”.

Sau đó họ kết hợp dữ liệu thu được về độ mặn nước biển từ các mẫu san hô và dữ liệu khí hậu trong lịch sử, họ phát hiện ra ENSO là nguyên nhân của lượng mưa trong vùng, dẫn đến cả hiện tượng ngập lụt và hạn hán. Kết quả gợi ý là trong tương lai, ĐBSCL sẽ tiếp tục đối diện với nguy cơ rủi ro về ngập lụt. Bên cạnh đó, việc phân tích dữ liệu mưa cho thấy những thay đổi về chế độ thủy văn tại ĐBSCL là do ảnh hưởng của El Niño và La Niña ở trung tâm Thái Bình Dương - tương ứng với lượng mưa lớn và mưa nhỏ ở ĐBSCL.

Kết quả được họ trình bày trong bài báo “Nonstationary footprints of ENSO in the Mekong River Delta hydrology”, được xuất bản trên Scientific Reports.