Ông Đỗ Khoa Nam - Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên - Huế phát biểu tại hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ XII. Ảnh: Loan Lê
Các doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ nhờ tích cực tham gia hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu và triển khai, xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo đo lường, chất lượng, tiếp cận thông tin sáng chế, phát triển tài sản SHTT… công nghệ từng bước đã được đổi mới, các sản phẩm đã có sức cạnh tranh hơn trên thị trường.
Trong giai đoạn tới địa phương phấn đấu trình độ và năng lực KH&CN của tỉnh được nâng lên mức khá của cả nước, trong một số lĩnh vực đạt mức tương đương với các thành phố lớn (khoa học xã hội, y học, giáo dục, bảo tồn bảo tàng ...); có những công trình khoa học xuất sắc trong một số lĩnh vực khoa học có thế mạnh, số lượng các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ tăng dần…
Để thực hiện định hướng trên, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị: Đảm bảo cân đối ngân sách cho KH&CN hằng năm không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước của tỉnh, phấn đấu tổng mức đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN đạt 1,5-2% GDP, tăng dần phần đóng góp của các nguồn khác. Không phân bổ bình quân, trải đều cho các cấp thụ hưởng ngân sách mà tập trung để giải quyết các nhiệm vụ KH&CN thiết yếu.
Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế tìm kiếm đối tác cung cấp vốn viện trợ ODA cho dự án “Xây dựng Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Thừa Thiên - Huế”. Tiếp tục mở rộng các chương trình quốc gia đang có hiệu quả như chương trình nông thôn miền núi, chương trình 68…