Theo ông Tầng Phú An – Phó giám đốc Sở KH&CN An Giang, An Giang hiện đang có 60 nhãn hiệu tập thể, tuy nhiên chỉ có 5% nhãn hiệu được sử dụng trong thực tế, 95% còn lại được cất trong hộc tủ.

Ý kiến trên được ông Tầng Phú An đưa ra trong hội thảo “Thực tiễn và giải pháp cho việc bảo hộ, khai thác và phát triển thương hiệu đối với các đặc sản địa phương khu vực phía Nam”.
Câu chuyện của An Giang được xem là vấn đề chung của các tỉnh khác trên cả nước về việc quản lý, phát huy giá trị của các sản phẩm sau khi được bảo hộ về sở hữu trí tuệ (SHTT).

Ông Lưu Đức Thanh – Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế (Cục SHTT) – nói: “Việt Nam là nước có nền nông nghiệp lâu đời với các đặc sản nông, lâm, thủy hải sản phong phú. Với mỗi sản vật địa phương, người dân lấy chính tên quê hương đặt tên cho nó để sản phẩm vừa có nét đặc thù về chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ vừa thể hiện niềm tự hào với vùng quê. Nhận thức được vai trò và sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu cho các đặc sản, nhà nước và Bộ, Ban ngành đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy bảo hộ quyền SHTT nhằm tạo động lực cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân”.

Ông Lưu Đức Thanh - Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế (Cục SHTT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NV.

“Tuy nhiên, lâu nay, các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc đăng ký và xác lập quyền với thương hiệu còn thực tế triển khai, quản lý, khai thác phát triển thương hiệu cho các sản phẩm này vẫn còn là một thách thức với nhà quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp” – ông Thanh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thanh, hiện Việt Nam có khoảng 46 chỉ dẫn địa lý và 10 chỉ dẫn địa lý đang trong quá trình thẩm định. Đối tượng của chỉ dẫn địa lý còn nhiều nhưng cộng đồng sản xuất sản phẩm dường như vẫn chưa ý thức được việc này. Vì thế, hầu hết nhà nước phải đứng ra làm thay thông qua các chương trình, dự án.

Trong tương lai, ông Lưu Đức Thanh cho rằng “để các quyền SHTT phát huy đúng vai trò, hiệu quả, cần có sự tham gia mạnh hơn nữa của người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng trong việc bảo vệ đặc sản quê hương mình. Vì thế, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cần sâu rộng hơn để cộng đồng hiểu và có hành động cụ thể, thiết thực”.

“Nếu chúng ta làm nửa vời, có thể những đặc sản sẽ biến mất. Con cháu chúng ta sẽ không có cơ hội được sử dụng các sản phẩm này. Vì thế, đây là việc cần sự chung tay của cả cộng đồng” – ông Thanh cảnh báo.