Ngày 4/9, tại TP Huế, Bảo tàng Thiên nhiên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo hợp tác, phối hợp xây dựng bảo tàng, nghiên cứu, thu thập và trao đổi mẫu vật trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

Voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng quý hiếm còn được bảo tồn ở khu vực miền trung.
Voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng quý hiếm còn được bảo tồn ở khu vực miền trung.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, sau khi có Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập và phê duyệt đề án Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền trung tại Huế, đồng thời phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền trung với quy mô gần 100 ha ở phía tây TP Huế (cách trung tâm 10-12km). Khu quy hoạch này được gắn kết với cụm di tích lịch sử và văn hóa lân cận như: Khu chứng tích Chín Hầm, Học viện Phật giáo Huế, Trung tâm văn hóa Huyền Trân công chúa… tạo thành một quần thể các công trình phục vụ du lịch, văn hóa thống nhất.

Để triển khai quy hoạch nói trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng “Rừng mưa nhiệt đới”, với tổng mức kinh phí 5 - 6 tỷ đồng, trên diện tích hơn 67 ha, với mục tiêu lưu giữ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn gen các loài thực vật rừng đặc trưng và tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới của các tỉnh duyên hải miền trung, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và du lịch sinh thái trên địa bàn khu vực. Tỉnh đang chỉ đạo Bảo tàng sưu tầm mẫu vật, nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển Bảo tàng về lâu dài, trước mắt là mẫu vật địa chất, khoáng sản, thực vật, sau đó là bộ mẫu vật động vật…

Cụm hoa của loài Nam tinh Hòn Bà, loài thực vật mới phát hiện ở khu vực Nam Trung Bộ.

Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, ông Nguyễn Trung Minh cho biết: Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg, ngày 20-4-2006, của Thủ tướng Chính phủ, đã giao cho Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của “Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020”. Quy hoạch này hướng đến mục tiêu chung đó là xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống bảo tàng thiên nhiên hoàn chỉnh về cơ cấu; hiện đại về kỹ thuật; khoa học, hiệu quả và phong phú về nội dung hoạt động; phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, tham quan, học tập, phổ biến kiến thức về quá trình phát triển lịch sử tự nhiên ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Minh nhấn mạnh, hội thảo lần này là dịp để các bảo tàng Thiên nhiên, bảo tàng Hải dương học và các bảo tàng Sinh học, Địa chất, Lịch sử tự nhiên, Tài nguyên rừng và các Trạm đa dạng sinh học trong toàn quốc trao đổi nghiên cứu khoa học, trao đổi mẫu vật cũng như học tập kinh nghiệm về sưu tầm, quản lý, chế tác, bảo quản và trưng bày mẫu vật về thiên nhiên Việt Nam. Các bảo tàng hệ thống cũng chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm quý báu, những điều cần lưu ý trong quá trình hoạt động của mình.