Nhằm giải quyết bài toán môi trường và chặn nguồn gây bệnh cho nấm rơm, người dân ở một số xã huyện Châu Thành, An Giang đã tái chế bịch phôi trồng nấm bào ngư, nấm linh chi để trồng nấm rơm. Mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng nấm rơm từ phụ phẩm nấm bào ngư nằm trong chương trình phối kết hợp giữa UBND huyện Châu Thành và trường Đại học An Giang về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết của Tỉnh ủy.
“Theo hướng dẫn của Đại học An Giang và cán bộ kỹ thuật của huyện sau khi thu hoạch xong nấm bào ngư, tôi chọn những bịch tơ còn trắng đem phơi khoảng 3-4 nắng để diệt mầm bệnh, với 3.000 bịch tương đương 1,5 tấn mạt cưa, tôi sử dụng thêm 30 kg vôi pha với nước tưới và ủ đống khoảng 2 ngày đảo đống ủ một lần, sau 4 lần đảo tôi bổ sung thêm 30 kg cám trộn đều lúc đảo, 2 ngày sau tiến hành chất mô nấm. Mỗi mô có kích thước ngang 40 cm, cao 40 cm, dài 10 m, với 1,5 tấn mạt cưa chất được 30 m mô, sau đó, rải 60 bịch meo nấm rơm và 1 kg phân mồi Thần Nông, cuối cùng là đậy áo mô bằng rơm. Sau khi ra phôi giồng khoảng 10 ngày xuất hiện những nụ đinh ghim, ngày thứ 12 bắt đầu cho thu hoạch” - nông
dân Nguyễn Thanh Hải - người trực tiếp thực hiện mô hình - cho biết trên trang tin điện tử của Sở khoa học và Công nghệ An Giang.
Để đạt được năng suất cao, theo bà Hồ Thị Thu Ba - đại diện nhóm nấm - cho biết: “Khâu chọn nguyên liệu cần loại bỏ các bịch bị nhiễm bệnh, kiểm tra ẩm độ đóng ủ, và đặt biệt giữ ấm mô nấm trong thời tiết lạnh như hiện nay. Về chất lượng nấm rơm từ cơ chất mạt cưa ăn rất ngon và bảo quản được lâu hơn so với nấm rơm được trồng từ cơ chất rơm”.
Thầy Dương Văn Nhả - Phó Trưởng khoa Nông nghiệp Đại học An Giang - còn gợi ý thêm rằng sau khi trồng nấm rơm, bà con nông dân có thể tận dụng để trồng gừng.
Trong khi đó, ông Châu Ngọc Thi - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp huyện Châu Thành - khẳng định mô hình này thực sự có hiệu quả, đã giúp người dân tăng thu nhập và nó cần được nhân rộng. Ngoài ra, theo ông Thi các cơ quan hội đoàn cần chú ý xây dựng thương hiệu sản phẩm nấm rơm từ mạt cưa.
Thu Hiền