Việc bón than sinh học kết hợp với phân NPK giúp người nông dân trồng chè Thái Nguyên giảm 20% chi phí mua phân hóa học, nhưng lại tăng 30-40% năng suất. Loại than này cũng giúp cải thiện rõ rệt chất lượng đất, độ ẩm và hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất đều tăng.

Tăng độ phì của đất, giảm sâu bệnh

Thái Nguyên là tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn thứ hai cả nước, sau Lâm Đồng, với hơn 21.000ha chè, sản lượng khoảng 192.000 tấn. Tuy nhiên, do địa hình dốc cao, cách canh tác của phần lớn nông dân chưa hợp lý, thiếu biện pháp bảo vệ, cải tạo đất nên đất bị thoái hóa, nghèo dinh dưỡng.

Học hỏi từ các mô hình trồng chè lớn trên thế giới như Sri Lanka, TS Nguyễn Công Vinh và cộng sự ở Viện Thổ nhưỡng nông hóa phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) triển khai mô hình bón than sinh học kèm phân hữu cơ cho cây chè tại xã Thành Công.

Ông Trần Sỹ Hải - nghiên cứu viên bộ môn Sử dụng đất, Viện Thổ nhưỡng nông hóa - giải thích: “Than sinh học còn gọi là than đen, được sản xuất bằng phương pháp nhiệt phân các nguyên liệu như rơm rạ, chất thải chăn nuôi, rác hữu cơ. Than sinh học được sản xuất trong môi trường hoàn toàn yếm khí hoặc nghèo ôxy”.

Nhóm nghiên cứu mô hình than sinh học cùng nông dân trồng chè xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên. Ảnh: Sỹ Hải

Đánh giá hiệu quả của than sinh học với đất và cây chè, TS Nguyễn Công Vinh - chủ nhiệm dự án - cho hay: “Than sinh học giúp tăng độ phì cho đất, chống hiện tượng rửa trôi phân bón, tăng khả năng hút và giữ ẩm. Than sinh học kết hợp với phân NPK cũng giúp hạn chế sâu bệnh, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”.

Ngoài các tác dụng trên, theo TS Nguyễn Công Vinh, than sinh học còn ảnh hưởng tích cực đối với môi trường. “Việc áp dụng công nghệ than sinh học, chuyển hình thức đốt rác thải rơm rạ, rác thải nông thôn tự do sang đốt yếm khí, sản xuất than sinh học giúp hạn chế sự phát thải khói bụi tự do ra môi trường, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn”.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, chất lượng than thu được sẽ ở mức cao nhất, lượng khí thải độc hại ở mức thấp nhất nếu công suất của lò đốt than sinh học đạt 20-30kg/lần đốt, nhiệt độ lò khi đốt đạt 400-6000C.

Chi phí giảm, năng suất tăng

Khảo nghiệm 1ha chè tại xã Thành Công, huyện Phổ Yên, TS Nguyễn Công Vinh cho biết: “Với tỷ lệ 2-8 (sử dụng 20% than sinh học và 80% phân NPK), người nông dân không chỉ tiết kiệm được chi phí mua phân bón mà còn tăng năng suất từ 30-40% so với trước đây, khi họ sử dụng 100% phân bón NPK. Bên cạnh đó, tỷ lệ sâu bệnh được hạn chế cũng giúp người dân giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng cho cây chè”.

Theo ông Dương Đức Hiến - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Phổ Yên, bên cạnh tăng năng suất, vấn đề cải tạo chất lượng đất có ý nghĩa lâu dài với người nông dân và đây là một lợi ích mà than sinh học mang lại: “Khi sử dụng than sinh học, độ ẩm của đất tăng 2,53%, trong khi nếu dùng 100% phân bón NPK, chỉ số này chỉ tăng 1,39%. Kết quả này đã chứng tỏ hiệu quả vượt trội của việc bón than sinh học kết hợp với NPK, dù lượng phân NPK chỉ bằng 80% so với bình thường”.

Xét về hiệu quả kinh tế nói chung, TS Nguyễn Công Vinh chia sẻ: “Công lao động vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất chè, nhất là công sản xuất than sinh học. Tuy nhiên, xét tổng lợi nhuận thì công thức bón kết hợp than sinh học với phân NPK theo tỷ lệ 2-8 vẫn cho lợi nhuận cao hơn 3,93% so với dùng 100% phân NPK. Nguyên nhân là do người nông dân tiết kiệm được chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật và phân bón”.

Cũng theo TS Vinh, dù chưa có khảo nghiệm về chất lượng chè nhưng theo phản hồi của người dân, khi sử dụng than sinh học, sản phẩm cho loại nước chè có màu xanh và vị ngon hơn so với sản phẩm trước đây.

Ngoài việc áp dụng than sinh học với cây chè, nhóm nghiên cứu cũng đã khảo nghiệm mô hình bón phân này trên cây lúa và thu về kết quả tương tự. “Mong muốn của tôi sau dự án này là mở rộng quy mô sản xuất và đưa than sinh học ra ngoài thị trường. Tuy nhiên, hiện nay tôi vẫn chưa tìm được đối tác để phối hợp sản xuất. Điều đáng mừng nhất là người dân Thái Nguyên đã đón nhận sản phẩm này và tự bỏ tiền đầu tư xây lò đốt than sinh học. Nếu được áp dụng rộng rãi sang các loại cây khác, than sinh học là nhân tố giúp ngành chè nói riêng và ngành nông nghiệp phát triển bền vững” - TS Nguyễn Công Vinh nhấn mạnh.