Sự đổi đời này diễn ra từ khi ông được thụ hưởng chuỗi dự án sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo, nuôi lươn không bùn do Trung tâm Giống thủy sản An Giang thực hiện, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) An Giang.
Phao cứu sinh của nghề nuôi lươn
Nghề nuôi lươn tuy phát triển ở An Giang đã khá lâu nhưng tình trạng “lươn thả vào bể nuôi là chết” vẫn là mối đe doạ thường trực. Mong ước lớn nhất của các hộ nuôi là có lươn giống sạch bệnh thay cho giống lấy từ thiên nhiên.
Ông Đường cho biết, trước đây, ông lấy lươn bố mẹ trong tự nhiên, cho sinh sản và nuôi trong bùn, cứ 10 con thì 7 con chết bệnh, thậm chí nhiều năm chết gần hết, gây lỗ nặng. Cách đây 3 năm, ông và nhiều hộ khác được tham gia dự án “Tập huấn và sản xuất thử nghiệm mô hình sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo” do Trung tâm Giống thủy sản An Giang triển khai.
“Tôi như vớ được vàng khi được dự án chọn hỗ trợ để sản xuất con giống. Ban đầu, dự án hỗ trợ hoàn toàn từ kinh phí xây bể sản xuất lươn giống đến hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Bể lươn giống của tôi đã sinh sản thành công và thu được lợi nhuận” - ông Đường tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Đường với mô hình nuôi lươn không bùn. Ảnh: KA
Kỹ sư Ngô Thị Hạnh - Trung tâm Giống thủy sản An Giang - cho biết, sản xuất lươn giống bằng phương pháp bán nhân tạo là công nghệ mới nên cán bộ kỹ thuật phải hướng dẫn tỷ mỷ cho các hộ dân để đạt chỉ tiêu kỹ thuật, tỷ lệ ấp nở, tỷ lệ sống.
Dự án thành công với số lươn giống thu được là 69.000 con, vượt mục tiêu gần 109%. Các thông số kỹ thuật đạt hoặc vượt mục tiêu như tỷ lệ nở đạt 50-90%, tỷ lệ sống từ bột lên hương là 60-80% và tỷ lệ sống từ hương lên giống là 60-75%. Từ chỗ chỉ có 8 hộ tham gia dự án, đến nay đã có trên 30 hộ dân triển khai mô hình.
Không dừng lại ở việc sản xuất giống lươn, trung tâm tiếp tục triển khai mô hình “Nuôi thương phẩm lươn đồng không bùn trong bể lót bạt với mật độ cao”. Bà Hạnh cũng cho biết, sau khi nuôi thử nghiệm thành công, trung tâm hướng dẫn cho các hộ nuôi, ban đầu là những hộ đã làm giống thành công. Giống cho ao nuôi không bùn lấy từ chính nguồn giống nhân tạo.
“Lươn nuôi không bùn có tỷ lệ sống cao, mật độ thả giống có thể lên đến 250 con/m2 nên năng suất đạt 30kg/m2, trong khi hai chỉ số này ở phương pháp nuôi có bùn chỉ đạt tối đa 80 con/m2 và 8-10kg/m2. Nuôi không bùn dễ quản lý dịch bệnh, lươn không sinh sản nên mau lớn” - bà Hạnh nói.
Năng suất cao nhờ thả dày, sạch bệnh
Mỗi năm, ông Đường sản xuất được 200.000 con lươn giống, thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Ông cũng triển khai nuôi lươn thương phẩm không bùn sử dụng lươn giống nhân tạo với tỷ lệ lươn sống và tăng trưởng đạt gần 100%.
Ông Đường cho biết, nuôi không bùn không khó, lại dễ phát hiện con lươn nào bị bệnh để xử lý cho cả bể nuôi. Với hơn diện tích 60m2, ông chỉ cần đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng làm mái che, giá thể nuôi, đường ống nước, xây bể...; mỗi ngày bỏ ra 2 giờ chăm sóc. Sau 10 tháng, ông thu hoạch 2,5 tấn lươn, lãi khoảng 300 triệu đồng. Cũng với diện tích này, nếu nuôi theo phương pháp có bùn, số lãi thu được tối đa khi không có dịch bệnh là 120 triệu đồng/năm.
Ông chia sẻ thêm, điều quan trọng nhất trong mô hình nuôi lươn không bùn là phải có nguồn giống sạch bệnh và dùng nước ngọt hoàn toàn, thay nước bể nuôi 2 lần/ngày, cho ăn theo đúng quy trình để đảm bảo ao nuôi sạch sẽ. Hiện lượng lươn nuôi ở An Giang chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nên ông Đường dự tính mở rộng thêm diện tích nuôi thương phẩm và sản xuất giống.
Bà Hạnh cho biết thêm, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đang chuẩn bị triển khai đề tài “Xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lươn đồng tỉnh An Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP” từ nguồn kinh phí của Sở KH&CN để nhân rộng mô hình này, giúp nông dân có đủ nguồn lươn sạch cung cấp ra thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.