Nhờ áp dụng giống và kỹ thuật mới, năng suất cây dâu tằm ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Các hộ trồng dâu thu lãi mỗi năm từ 44-110 triệu đồng.
TS Trương Hồng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên - cho biết như vậy về dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu, nuôi tằm ở huyện Lâm Hà”.
Giống dâu mới cho năng suất nhảy vọt
Theo TS Trương Hồng, từ tháng 2/2011, Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên đã chuyển giao xuống Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông - lâm nghiệp Lâm Đồng kỹ thuật trồng giống dâu cao sản mới (S7-CB và VA-201). Kỹ thuật này đã được tập huấn cho 200 hộ dân ở 3 xã Hoài Đức, Liên Hà, Đông Thanh. Sau 3 năm, năng suất lá dâu S7-CB và VA-201 đạt hơn 20 tấn/ha/năm (tăng 8-10 tấn/ha/năm so với giống dâu cũ).
Trung tâm cũng cải tạo 30ha dâu giống cũ bằng các biện pháp cày xới đất, cải tạo môi trường, bón phân cân đối… Năng suất lá dâu đạt 15 tấn/ha/năm - tăng gần 38% so với phương pháp sản xuất thông thường.
Trung tâm cũng đã chuyển giao cho nông dân kỹ thuật điều khiển nhiệt độ, ẩm độ, hái lá dâu… để nuôi tằm con tập trung với 6.000 hộp trứng tằm; chuyển nuôi tằm trên nong sang nuôi trên nền nhà với 600 hộp, sản lượng kén tăng từ 43kg/hộp lên 46kg/hộp, lợi nhuận tăng gần 33%.
Thu nhập tăng 70-100%
Trước đây, nhiều vụ tằm bị mất trắng do bệnh và kỹ thuật chăm sóc chưa đúng. Nay, do các hộ nuôi tằm được hướng dẫn kỹ thuật mới, ngoài việc năng suất kén tăng cao, chất lượng kén cũng tăng, đạt tiêu chuẩn ươm trên 96%. Hệ số tiêu hao là 7,4kg kén/1kg tơ, đáp ứng yêu cầu của các cơ sở ươm tơ nên luôn bán được giá cao.
TS Hồng cho biết, dự án đã đem lại thu nhập ổn định cho người lao động. Bình quân một hộ có từ 0,2-0,5ha dâu sẽ thu được sản lượng lá hằng năm là 6-15 tấn, nuôi được từ 500-1.250kg kén. Tổng thu của mỗi hộ như vậy là từ 60-150 triệu đồng mỗi năm. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lãi được 44-110 triệu đồng mỗi năm - cao hơn 70-100% so với các hộ không tham gia dự án.
Đặc biệt, hiện dự án đã xây dựng một mô hình liên kết từ sản xuất dâu, nuôi tằm đến tiêu thụ kén. Các quy trình công nghệ được chuyển giao vào sản xuất đã làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tận dụng được các loại đất không thật sự phù hợp với các loại cây trồng khác như càphê, chè, bắp, đậu…, làm tăng lợi thế cạnh tranh của cây dâu tằm.