Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm, thông minh và thân thiện môi trường trên Cầu Đúc, thành phố Tân An.
Để phát triển bền vững đô thị, việc quản lý và xây dựng hạ tầng kỹ thuật rất quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực chiếu sáng. Chiếu sáng đô thị thực sự đã hình thành và phát triển như một ngành, nghề với những nét đặc thù, quy luật riêng, đã và đang có đóng góp quan trọng cho việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và sự văn minh hiện đại của các đô thị. Một thành phố được chiếu sáng tốt sẽ góp phần thỏa mãn thị hiếu của người dân, tạo dựng và quảng bá hình ảnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị.
Chính vì vậy, đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm hệ thống chiếu sáng đô thị tiết kiệm, thông minh và thân thiện môi trường” được xem là hợp phần quan trọng trong quy hoạch phát triển chung của đô thị. Đề tài do kiến trúc sư Trần Kim Lân - Bí thư Thành ủy Tân An, Long An - làm chủ nhiệm, được UBND thành phố phối hợp với Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông chi nhánh Tiền Giang và Đại học Kinh tế công nghiệp Long An thực hiện từ tháng 7/2015-4/2016.
Ông Nguyễn Văn Đồi - Giám đốc chi nhánh Tiền Giang, Công ty Rạng Đông - cho biết, hệ thống đèn led được sử dụng trong đề tài là loại đèn hiện đại có hiệu suất cao, tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường, được các chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật chiếu sáng thiết kế theo QCVN 09:2013/BXD và TCVN 7114:2008.
Kết quả của đề tài là mô hình chiếu sáng thông minh, được lắp đặt cho khu vực vườn hoa dọc hai bên bờ kè sông Bảo Định và cầu Đúc, thành phố Tân An. Mô hình cho phép điều khiển từ xa thông qua hệ thống chiếu sáng tự động theo một lịch trình đã được lập sẵn, có thể linh động thay đổi mức độ chiếu sáng của đèn theo từng thời điểm dựa trên cảm biến ánh sáng. Mô hình giúp tiết kiệm khoảng 60% năng lượng cho đèn đường và đèn trên cầu, giảm khí thải và chất độc hại, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân đô thị. Trên cơ sở đó, nhóm thực hiện đề tài đề xuất giải pháp triển khai nhân rộng mô hình, bảo đảm nhu cầu chiếu sáng của đô thị.