Do bà con nông dân nắm vững được quy trình chọn giống, chăm sóc cũng như thu hoạch và bảo quản nên chất lượng quế Thường Xuân luôn được người tiêu dùng đánh giá cao.

Cây giống

Trồng tập trung: Tuổi cây từ 28 - 24 tháng, chiều cao cây từ 25 - 30cm, đường kính rễ từ 0,4 - 0,5cm, cây sinh trưởng tốt và không bị sâu bệnh.

Trồng rừng phân tán: Chiều cao cây từ 50 - 60cm, đường kính cổ rễ là 0,6 - 0,8cm, cây sinh trưởng tốt và không bị sâu bệnh.

Thời vụ trồng: Vụ Xuân (từ tháng 1 đến tháng 3), vụ mùa (tháng 8 đến tháng 9), vụ chính là vụ Xuân, thời điểm có mưa nhẹ, đất ẩm, thời tiết mát không có gió nóng.

Kỹ thuật trồng: Khả năng chịu nhiệt, ánh nắng trực tiếp của cây quế trong 2 năm đầu thấp, nên trồng dưới tán. Từ năm thứ 3 - 4 cây, bắt đầu phát triển mạnh thì nhu cầu ánh sáng lại rất cao. Do vậy, trong giai đoạn đầu người dân địa phương thường kết hợp trồng quế xen canh với các cây nông nghiệp để tận dụng hết tối đa lợi ích của đất đồng thời sự kết hợp này giúp cho cây quế sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

Mật độ trồng từ 3.300 - 5.000 cây/ha, sau 7 - 10 năm có thể chặt tỉa thưa mật độ năm thứ 5 còn 2.000 - 2.500 cây/ha và giảm dần mật độ về sau.

Chăm sóc: Trong giai đoạn 3 năm đầu cần chăm sóc 2 lần/năm, từ năm thứ 4 đến khi khép tán chăm 1 lần/năm.

Nội dung chăm sóc:

Trồng dặm trên các cây quế đã chết, phát dọn dây leo và cỏ lấn át quế, giữ ẩm cho gốc và phòng trừ sâu bệnh phá hoại.

Xới đất xung quanh gốc thành 1 vòng tròn có đường kính từ 0,8 - 1m, xung quanh gốc cho những lần chăm sóc ở 3 năm đầu.

Bón thúc cho cây 50g NPK, bón trong các rạch vòng tròn cách gốc 0,3 - 0,4m, mỗi năm bón 1 lần trong 3 lần.

Ảnh: Nongnghiep
Cây quế giống. Ảnh: Nongnghiep.

Công đoạn khai thác và bảo quản

Công đoạn khai thác

Quế khai thác đảm bảo chất lượng từ 15 – 20 năm.

Thời gian khai thác: Việc bóc vỏ quế tiến hành vào tháng 4 - 5 và tháng 7 - 8.

Trước khi thu hoạch, cắt khoanh một đoạn vỏ ở gần gốc cây làm cho nước và dinh dưỡng không đi lên trên được, để vỏ quế bong khỏi thân cây, quá trình bóc vỏ sẽ dễ dàng. Khi sắp bóc lấy lạt buộc quanh thân và cành to, cách 40 - 50cm, buộc 1 vòng. Sau đó dùng mũi dao thật sắc, mũi nhọn cắt dọc từng đoạn 40cm. Sau khi cắt ngang và dọc xong, dùng đầu que nứa vót nhọn và mỏng lách vào khe cắt, vỏ quế tự tách ra. Sau khi bóc hết thân cây thì ngả cây để bóc ở các bộ phận khác.

Phân loại quế ở những bộ phận khác nhau (thượng châu, thượng biểu, hạ căn).

Sơ chế và bảo quản

Theo phương pháp truyền thống: Vỏ quế thu hoạch xong, rửa sạch, để khô nước hoặc lấy vải lau khô, sạch. Lá chuối khô xếp quanh sọt và đáy sọt dày chừng 5cm, sau đó xếp quế vào cho đầy. Cuối cùng xếp 1 lớp lá chuối dày 5cm nữa lên trên rồi đậy kỹ và buộc chặt. Cứ mỗi ngày đảo mặt trên xuống dưới, mặt dưới lên trên, để cho nóng đều. Mùa nóng ủ chừng 3 ngày còn mùa lạnh ủ 7 ngày.

Phương pháp lò sấy: Vỏ tươi thu về trải ra sân phơi cho khô bớt rồi bó thành bó khoảng 20 - 25kg để đem sấy. Có thể trải 1 lớp cám gạo xuống đáy lò, phun nước chè vào 2 đầu bó vỏ, xếp các bó chồng khít, ép chặt lên nhau, trên cùng trải 1 lớp cám nữa rồi phủ bao tải lên trên cùng để cho quế không bị bốc mùi khi sấy. Cứ ủ như vậy trong quá trình sấy, sau 21 ngày thì bốc dỡ quế ra khỏi lò. Sấy ở nhiệt độ 70 - 75 độ C.

Đóng gói thương mại

Đối với quế vỏ: Sau khi phơi khô, xếp vỏ quế ngay ngắn trong thùng hay bó trong các túi nilon. Không để vỏ quế bị gãy vỡ sẽ làm giảm chất lượng của quế.

Cả vỏ quế khô và tinh dầu quế cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát và tránh để ánh nắng chiếu trực tiếp.