Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 179/QĐ-BYT ngày 20/1/2015 của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1976/QĐ-TTg, nhằm bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên, Việt Nam sẽ quy hoạch 8 vùng dược liệu trọng điểm để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài, sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu mỗi năm.
Bản quy hoạch tổng thể này cũng đặt mục tiêu phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh của 8 vùng sinh thái, gồm 36 loài dược liệu bản địa, 18 loài dược liệu nhập nội trồng tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, kèm theo Quyết định số 206/QĐ-BYT ngày 22/1/2015, Bộ Y tế ban hành danh mục 54 cây dược liệu ưu tiên phát triển, giai đoạn 2015-2020.
Theo quy hoạch, 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Việc quy hoạch 8 vùng trồng dược liệu này cũng trùng khớp với cách phân chia địa lý của Việt Nam theo yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng và sinh thái.
Một khu vườn trồng cây thuốc lạc tiên tây ở Phú Yên. Ảnh: Phạm Bình
Vùng núi cao với khí hậu á nhiệt
Vùng này bao gồm Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ) và Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ), sẽ phát triển trồng 13 loài dược liệu, cụ thể là: 4 loài bản địa (bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn) và 9 loài nhập nội (áctisô, đỗ trọng, độc hoạt, đương quy, tam thất, hoàng bá, mộc hương, ô đầu, xuyên khung... với diện tích 2.550ha. Ưu tiên phát triển các loài áctisô, đương quy, đảng sâm.
Vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới
Vùng này bao gồm Lào Cai (Bắc Hà), Sơn La (Mộc Châu) sẽ phát triển trồng 12 loài dược liệu, cụ thể là 5 loài bản địa (bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn, ý dĩ) và 7 loài nhập nội (áctisô, bạch truật, bạch chỉ, dương cam cúc, đỗ trọng, đương quy, huyền sâm). Ưu tiên phát triển các loài bạch truật, đỗ trọng và áctisô.
Vùng trung du miền núi Bắc Bộ
Vùng này bao gồm Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn, phát triển trồng 16 loài dược liệu, cụ thể là 13 loài bản địa (ba kích, đinh lăng, địa liền, gấc, giảo cổ lam, ích mẫu, kim tiền thảo, hồi, quế, sà, sa nhân tím, thanh hao hoa vàng, ý dĩ) và 3 loài nhập nội (bạch chỉ, bạch truật, địa hoàng) trên diện tích 4.600ha. Ưu tiên phát triển các loài ba kích, gấc, địa hoàng; duy trì và khai thác bền vững quế và hồi trên diện tích đã có.
Vùng Đồng bằng sông Hồng
Vùng này bao gồm Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định và Thái Bình, phát triển trồng 20 loài dược liệu trên diện tích 6.400ha. Trong đó, có 12 loài bản địa (cúc hoa, diệp hạ châu đắng, địa liền, đinh lăng, gấc, hòe, củ mài, hương nhu trắng, râu mèo, ích mẫu, thanh hao hoa vàng, mã đề) và 8 loài nhập nội (bạc hà, bạch chỉ, bạch truật, cát cánh, địa hoàng, đương quy, ngưu tất, trạch tả). Ưu tiên phát triển các loài: Ngưu tất, bạc hà, hòe và thanh hao hoa vàng.
Vùng Bắc Trung Bộ
Đây là vùng có sự đa dạng sinh học rất cao, nguồn cây thuốc phong phú, là nơi tập trung 5 vườn quốc gia, bao gồm: Vườn quốc gia Bến En (Thanh Hóa, 14.735ha), Pù Mát (Nghệ An, 94.804ha), Vũ Quang (Hà Tĩnh, 55.028,9ha), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình, 85.754ha), Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế, 22.030ha). Bên cạnh đó, còn có 9 khu bảo tồn thiên nhiên: Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên (Thanh Hóa); Pù Hoạt, Pù Huống (Nghệ An); Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh); Bắc Hướng Hóa, Dakrong (Quảng Trị); Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, vùng Bắc Trung Bộ tập trung hàng trăm loài cây thuốc, trong đó nhiều loài có giá trị cao như sâm Puxailaleng, đảng sâm, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, sa nhân, hà thủ ô trắng, nấm linh chi đỏ, giảo cổ lam, thổ phục linh, thiên niên kiện, chè dây, lá khôi, đông trùng hạ thảo...
Nghệ An và Thanh Hóa là hai tỉnh được ưu tiên khai thác, phát triển một số cây như: Ba kích, diệp hạ châu đắng, đinh lăng, củ mài, hòe, hương nhu trắng, ích mẫu, nghệ vàng, quế và sả với diện tích khoảng 3.300ha. Ưu tiên trồng các loài: Hòe, đinh lăng.
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ
Vùng này trải dài từ nam đèo Hải Vân đến mũi Dinh gồm các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận; phát triển trồng 10 loài dược liệu bản địa trên diện tích khoảng 3.200ha. Đó là các loài: Bụp giấm, diệp hạ châu đắng, dừa cạn, đậu ván trắng, củ mài, nghệ vàng, quế, râu mèo, sa nhân tím, sâm Ngọc Linh. Ưu tiên phát triển các loài: Bụp giấm, dừa cạn, sa nhân tím và sâm Ngọc Linh.
Vùng Tây Nguyên
Vùng này bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông; phát triển trồng 10 loài dược liệu bản địa diện tích khoảng 2.000ha. Các loài đó là: Gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ. Ưu tiên trồng các loài: Đảng sâm, sâm Ngọc Linh.
Riêng tại Lâm Đồng, theo thống kê chưa đầy đủ, những cây thuốc đã được trồng cho đến năm 2016 là: Áctisô khoảng 80ha, chủ yếu trồng tại TP. Đà Lạt (70ha) và huyện Đơn Dương (10ha); diệp hạ châu trồng ở Cát Tiên, diện tích khoảng 40ha; đảng sâm khoảng 10ha, do Công ty TNHH Cao Lâm trồng ở huyện Lạc Dương; phúc bồn tử trồng ở huyện Đức Trọng, Lạc Dương với hơn 4ha; dó bầu khoảng 90ha, do Công ty cổ phần dó bầu Hương Quảng Nam trồng ở huyện Đam Rông đã sang năm thứ bảy (để gây trầm hương). Các cây đương quy, đinh lăng, sa nhân trồng tại thành phố Bảo Lộc, huyện Lâm Hà và Đức Trọng. Nấm linh chi và các loại nấm dược liệu khác được gây trồng ở Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Đơn Dương.
Một số cây có tác dụng bồi dưỡng dùng làm thực phẩm hoặc để sản xuất các mặt hàng thực phẩm chức năng cũng đã được trồng tại Lâm Đồng như: Cacao, điều, mắcca, sa chi, dưa lưới, dây hương, phật thủ, chè tiên... Đồng thời, một số động vật làm thuốc cũng được người dân nuôi như: Hươu ở Đà Lạt, Lạc Dương, Đam Rông; kỳ đà, ong ở Bảo Lộc; tắc kè ở Bảo Lâm; nhím ở Đạ Huoai và dế ở huyện Lâm Hà...
Vùng Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ
Vùng này gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh phát triển trồng 10 loài dược liệu với quy mô khoảng 3.000ha. Các loài đó là: Gừng, trinh nữ hoàng cung, nghệ vàng, nhàu, rau đắng biển, hoàn ngọc, tràm, xuyên tâm liên, râu mèo và kim tiền thảo. Ưu tiên phát triển các loài: Tràm, xuyên tâm liên, trinh nữ hoàng cung.