Không bó hẹp phạm vi cấp tem CDĐL
Sau 5 năm được bảo hộ CDĐL “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho, Hiệp hội Nho Ninh Thuận đã có trên 280 thành viên, hình thành 3 chi hội sản xuất, kinh doanh và chế biến; cấp khoảng 70.000 tem nhãn, bao bì mang dấu hiệu CDĐL.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Mọi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nho Ninh Thuận - thì đây là con số khá khiêm tốn so với thực trạng trồng và sản xuất nho hiện nay của tỉnh. Ninh Thuận có 1.200ha diện tích trồng nho, nhưng mới chỉ 300ha nằm trong vùng được bảo hộ CDĐL, trong đó diện tích nho được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP - cơ sở để hiệp hội cấp tem CDĐL - khá khiêm tốn. Chính vì thế, mỗi năm, sản lượng nho tươi cung ứng ra thị trường không nhiều.
Ông Mọi cho biết: “Hiện nay Hiệp hội Nho Ninh Thuận còn lúng túng trong việc cấp tem nhãn CDĐL cho các cơ sở trồng và sản xuất nho. Nếu chỉ căn cứ các tiêu chí của VietGAP để cấp thì tính phổ cập chưa cao. Đó là lý do 5 năm sau khi sản phẩm nho của tỉnh được cấp CDĐL “Ninh Thuận”, diện tích và sản lượng được cấp tem CDĐL chưa cao”.
Trước những băn khoăn của ông Mọi, ông Phạm Thành Hưng - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Ninh Thuận - cho biết, sắp tới, với dự án “Nâng cao hiệu quả quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho của tỉnh Ninh Thuận”, việc cấp tem CDĐL sẽ không chỉ bó hẹp trong phạm vi các cơ sở đạt chứng nhận VietGAP mà sẽ được mở rộng cho nhiều đối tượng.
Vườn nho của ông Nguyễn Văn Mọi - xã Phước Thuận, Ninh Phước, Bình Thuận. Ảnh: NV
“Sở KH&CN đang phối hợp với Hiệp hội Nho Ninh Thuận tháo gỡ vấn đề này cùng với các hộ kinh doanh. Điều kiện đưa ra là chỉ cần nho được sản xuất theo hướng an toàn, có sự kiểm soát, đánh giá của ban kiểm soát thuộc Hiệp hội Nho Ninh Thuận như: Có chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn do Chi cục Nông - Lâm - Thủy sản tỉnh cấp, cơ sở sản xuất có đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên môn trong ngành như Chi cục Bảo vệ thực vật”.
Ví dụ, với tiêu chí thuốc bảo vệ thực vật trên nho, cơ sở trồng và sản xuất chỉ cần tuân thủ đúng thời gian cách ly và đáp ứng được các tiêu chuẩn của Chi cục Bảo vệ thực vật khi lấy mẫu kiểm tra. “Với tiêu chuẩn mới này, điều kiện đưa ra sẽ ít khắt khe hơn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cũng như uy tín của nho Ninh Thuận”- ông Hưng nói.
Mở rộng diện tích cấp CDĐL
Ông Phạm Thành Hưng cho biết, sắp tới, diện tích trồng nho được bảo hộ CDĐL sẽ mở rộng lên 1.200ha trong toàn tỉnh. Hiện chỉ có các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hữu, thị trấn Phước Dân của huyện Ninh Phước và xã Phước Nam thuộc huyện Thuận Nam được cấp chứng nhận vùng CDĐL.
“Trong năm 2017, Sở KH&CN làm hồ sơ đề xuất mở rộng diện tích trồng nho được bảo hộ CDĐL và bổ sung cấp CDĐL đối với giống nho mới NH11102” - ông Hưng nói và cho biết thêm, hiện các xã phía bắc thành phố Phan Rang, huyện Ninh Hải có diện tích trồng nho phát triển rất mạnh, sản phẩm đầu ra đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nhưng chưa được bảo hộ CDĐL.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở KH&CN Ninh Thuận - cho biết thêm, trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng các sản phẩm nho được sử dụng tem nhãn CDĐL “Ninh Thuận” như nho sấy khô, mật nho, vang nho...
Trước triển vọng từ dự án mở rộng này, ông Phạm Châu Hoành - Tổng Thư ký Hiệp hội Nho Ninh Thuận - nói: “Sau khi phạm vi và diện tích bảo hộ CDĐL được mở rộng, chúng tôi sẽ vận động bà con trồng những giống nho chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao; làm giàn nho mẫu để bà con có thể tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để sản xuất nho an toàn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia tập huấn nâng cao trình độ cho bà con để ngoài trồng nho an toàn, bà con còn biết được quy trình bảo quản sau thu hoạch để quả nho đến tay người tiêu dùng đạt tiêu chuẩn chất lượng. Có như thế mới đảm bảo và phát huy được lợi thế CDĐL nho Ninh Thuận”.