Bánh chưng chắc hẳn đã không còn xa lại với bất kỳ người dân Việt Nam nào. Tuy nhiên, ngon nhất phải kể đến bánh chưng Tranh Khúc do người dân làng Tranh Khúc, xã Duyên hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội làm nên.

Để làm ra được những chiếc bánh ngon, người dân làng Tranh Khúc phải lựa chọn nguyên liệu hết sức tỉ mỉ: Gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng Hải Hậu (Nam Định); lá dong nếp từ Yên Bái, Hà Giang… Đặc biệt, thịt lợn phải là thịt tươi, ngon đảm bảo chất lượng.


Bánh chưng Tranh Khúc phải gói chặt tay, buộc chắc chắn rồi luộc 8-10 tiếng. Khi bánh chín, người ta rửa qua nước lạnh cho bánh sạch, lá không bị khô. Khi bánh còn mềm thì dùng một tấm phên chèn để nước trong vỏ bánh chảy hết đi, giúp bánh nở đều, các góc chặt như nhau. Bánh chưng ngon là khi cắt ra phải chắc nhưng hạt gạo mềm và dẻo, ăn có vị thơm và béo ngậy.

Bánh chưng Tranh Khúc. Ảnh minh họa.
Bánh chưng Tranh Khúc. Ảnh minh họa.

Ngày thường, mỗi hộ chỉ làm từ 50 - 100 cái theo đơn đặt thì dịp gần Tết phải gấp 5 lần. Có nhà làm tới hơn 1.000 chiếc một ngày. Để làm một chiếc bánh đòi hỏi trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau, cũng bởi vậy nên nhà nào cũng phải huy động hết các thành viên trong gia đình từ người già, thanh niên cho tới trẻ em, mỗi người đảm nhận một việc. Các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu được phân công rất chuyên nghiệp, người rửa lá, xếp lá; người đồ đỗ xanh, đánh nhuyễn đỗ; người chế biến, pha thịt lợn...


Bánh chưng của làng Tranh Khúc có mặt ở khắp nơi, từ Hà Nội cho đến thành phố Hồ Chí Minh. Dịp Tết đến, bánh chưng Tranh Khúc còn được đưa ra nước ngoài, phục vụ bà con kiều bào đón Tết. Người dân làng Tranh Khúc làm bánh chưng quanh năm, nhưng họ không bán lẻ mà giao cho các cửa hàng, siêu thị…

Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nghề làm bánh chưng của làng Tranh Khúc còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nhân công đến từ các tỉnh, với thu nhập khoảng 200 - 500 nghìn đồng/người/ngày.