Nhiều dự án thuộc Chương trình Nông thôn – Miền núi thời gian qua đã vào cuộc, hỗ trợ cho địa phương về kinh phí và công nghệ để từng bước giải quyết được những khó khăn trong ngành chăn nuôi, như: con giống, dinh dưỡng và quản lý, vệ sinh chuồng trại…

Nhìn lại 3 giai đoạn thực hiện Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số" (Chương trình Nông thôn – Miền núi) có thể thấy đây cũng là nhóm dự án chiếm tỷ trọng khá và ghi nhận nhiều thành công.

Thông qua các dự án, tư duy sản xuất của người dân đã có thay đổi, từ đối phó sang phòng ngừa những vấn đề chuồng trại, con giống, dinh dưỡng, thú y, vệ sinh an toàn sinh học. Dự án đã cung cấp những kiến thức cơ bản nhất định về các yếu tố trên để người dân có thể áp dụng vào thực tiễn.

Theo Văn phòng Chương trình Nông thôn – Miền núi, qua 3 giai đoạn, các dự án đã chuyển giao và tiếp nhận 658 quy trình công nghệ, đào tạo 831 kỹ thuật viên và tập huấn cho 13.106 lượt nông dân đã giúp các đơn vị chủ trì dự án làm chủ được các công nghệ về sản xuất giống và chăn nuôi bò thịt, lợn, gia cầm, nuôi ong lấy mật, nuôi đà điểu sinh sản và lấy thịt, tiếp nhận các kỹ thuật trồng cỏ, chế biến thức ăn, phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, v..v…

Ttư duy sản xuất của người dân đã có thay đổi, từ đối phó sang phòng ngừa những vấn đề chuồng trại, con giống
Tư duy sản xuất của người dân đã có thay đổi, từ đối phó sang phòng ngừa những vấn đề chuồng trại, con giống

Sự thay đổi nhận thức được minh chứng từ những dự án cụ thể. Điển hình như Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình” tuy mới bắt đầu thực hiện từ năm 2014 nhưng nhờ thành công từ các mô hình mà dự án đã thu hút được gần 300 hộ tự nguyện tham gia thực hiện không cần hỗ trợ kinh phí, chỉ cần hỗ trợ kỹ thuật (theo thuyết minh phê duyệt chỉ có 82 hộ), các hộ đã đăng ký mua giống gà từ dự án để phát triển chăn nuôi (thu nhập bình quân ước đạt 4-5 triệu đồng/tháng).

Hiện nay dự án đã cung cấp ra thị trường khoảng 90.000 gà con một ngày tuổi, xuất chuồng 35.000 con gà 2-5 tuần tuổi; đã tạo nên các cơ sở chuyên cung cấp giống gà con có uy tín tại địa phương, đảm bảo chất lượng. Việc tiêu thụ gà gặp nhiều thuận lợi do chất lượng thịt ngon, hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN nuôi ong mật và khai thác, chế biến mật ong tại Lào Cai” do Công ty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân chủ trì thực hiện từ năm 2011 đến năm 2014 tại 3 huyện Bảo Yên, Bắc Hà và Tp. Lào Cai. Trước khi có dự án, Công ty đã nuôi 200 đàn ong, sản lượng mật đạt 7-8 tấn/năm. Nhờ được tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới tiên tiến, Công ty đã phát triển được thêm 600 đàn ong ngoại, hơn 200 đàn ong nội, sản lượng mật đạt 30 tấn/năm; đầu tư thêm 01 xưởng chế biến với hệ thống máy móc hiện đại phục vụ cho việc bảo quản, chế biến các sản phẩm từ ong mật.

Cùng với sự phát triển mạnh về năng suất và chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ của Công ty cũng tăng nhanh, hiện nay đã có 32 cửa hàng đại lý, 7 cửa hàng dịch vụ và 2 đối tác xuất khẩu sang nước ngoài, nhờ đó doanh thu của Công ty liên tục tăng (từ 2,1 tỷ năm 2011 đến 2015 đạt 3,3 tỷ đồng). Sự phát triển của Công ty đã giúp tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ 3,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng; ngoài ra do đặc thù nghề nuôi ong phải di chuyển thường xuyên nên ở mỗi mô hình tập kết khai thác mật cũng tạo thêm thu nhập cho các hộ dân xung quanh.


Trong số các dự án về cá thì Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá rô phi NOVIT4 đơn tính đực phục vụ kinh tế xã hội tại tỉnh Bắc Ninh” do HTX thủy sản Nam Sơn chủ trì thực hiện với tổng đầu tư ban đầu là 2 tỷ đồng là Dự án mang lại kết quả tích cực. Dự án đã tiếp nhận thành công 5 quy trình công nghệ để áp dụng vào sản xuất; đào tạo được 10 cán bộ kỹ thuật và 100 nông dân. Dự án đã hình thành được đàn cá bố mẹ chất lượng tốt để tiếp tục sản xuất giống cung cấp cho các hộ nuôi cá thương phẩm của tỉnh; tạo ra mô hình điển hình thu hút sự tham gia của hàng trăm lao động tại địa phương có thu nhập ổn định. Sau khi kết thúc, quy mô dự án liên tục tăng: từ 5 điểm thực hiện mô hình ban đầu, đến năm 2013 tăng lên 15 điểm, năm 2014 lên 35 điểm, năm 2015 lên 50 điểm với diện tích 50 ha.

Từ hiệu quả của các dự án đã thực hiện, trong giai đoạn 2016-2025 Chương trình tiếp tục xác định sẽ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ thông qua các mô hình cụ thể phù hợp với từng vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Cụ thể sẽ xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ phát triển của từng vùng miền, địa phương như các tiến bộ khoa học và công nghệ về giống mới và công nghệ nhân giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm.