Theo bà Lê Thị Hồng Loan – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lào Cai, tiêu chí quan trọng để lựa chọn giao thực hiện nhiệm vụ nông thôn miền núi 2017 là tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đầu tư và tâm huyết hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tiến độ phê duyệt dự án chậm
Năm 2017, Lào Cai triển khai 4 nhiệm vụ thuộc chương trình: Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 (Chương trình nông thôn - miền núi). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cái khó khăn nhất mà Lào Cai gặp phải là thời gian phê duyệt đấu thầu quá chậm, khiến cho quá trình triển khai dự án chậm và mất nhiều thời gian.
“Thời gian thực hiện các dự án nông thôn miền núi là 2 năm. Tuy nhiên,
dự án ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau và hoa làm từ năm 2016
nhưng đến thời điểm này (tức là cuối năm 2017) mới được phê
duyệt quyết định đấu thầu. 3 dự án còn hiện vẫn đang chưa được phê
duyệt đấu thầu, trong khi đó theo thời hạn, dự án kết thúc vào năm 2018.
Để kịp tiến bộ, Sở KH&CN thường phải ứng tiền trước rồi thanh toán
sau” – Bà Lê Thị Hồng Loan – Giám đốc Sở KH&CN Lào Cai chia sẻ.
Theo bà Loan, việc thời gian đấu thầu chậm như vậy ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án. Trong khi đó, việc tìm kiếm doanh nghiệp và công nghệ để chuyển giao cũng không dễ dàng.
Việc tìm kiếm các tiến bộ ứng dụng khoa học phù hợp với yêu cầu của Sở cũng như đơn vị doanh nghiệp trong địa phương có thể thực hiện là rất khó khăn, nhất là với tỉnh nằm ở vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn như Lào Cai. Bà Loan tiết lộ: “Tôi thường tìm thông tin qua Bộ KH&CN, qua phương tiện thông tin đại chúng, internet, thậm chí đến trực tiếp trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tìm hiểu,nếu thấy phù hợp sẽ đề nghị phối hợp” – bà Loan nói.
Nhiều tiêu chí đặt hàng doanh nghiệp
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở KH&CN Lào Cai cũng nêu cao chủ trương “làm hộ thủ tục”. Doanh nghiệp không nắm rõ các thủ tục giấy tờ của cơ quan nhà nước, nên lãnh đạo Sở KH&CN Lào Cai khẳng định, phải đào tạo cán bộ Sở giúp doanh nghiệp thực hiện, để đảm bảo trúng các đề tài, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm đặt hàng các chương trình để đặt đâu trúng đó cũng được Giám đốc Sở KH&CN Lào Cai tiết lộ, đó là phải tìm hiểu kỹ về các tiêu chí của chương trình và đánh giá khả năng đáp ứng. Ví dụ như doanh nghiệp có tiềm năng như thế nào khi triển khai thực hiện chương trình và những tiến bộ ứng dụng khoa học có thể mang lại điều gì cho người dân? Khả năng đảm bảo tiến độ thực hiện đề tài?
Bà Lê Thị Hồng Loan cho biết: “Nhờ tìm hiểu kỹ các tiêu chí nên tôi đặt đâu trúng đó. Không chỉ chương trình nông thôn miền núi mà Chương trình 592 - Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập, Lào Cai đặt 2 cái được phê duyệt cả hai, trong tổng số 8 nhiệm vụ được phê duyệt của toàn quốc”.
Từ kinh nghiệm đặt hàng, Lào Cai đưa ra nhiều tiêu chí khắt khe để lựa chọn doanh nghiệp khi giao nhiệm vụ như trình độ nghiên cứu, ứng dụng khoa học trước đó của chủ đơn vị, đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị bài bản và quan trọng nhất là tâm huyết với nghề.
“Hai doanh nghiệp triển khai đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học trong cá hồi vân và lợn đen đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng trang trại và đều là những người có trình độ khoa học kỹ thuật bài bản. Tôi lựa chọn họ vì tin rằng khi đưa tiến bộ vào doanh nghiệp này chắc chắn sẽ có tác dụng. Công ty TNHH Hải Hằng là doanh nghiệp đã có mô hình chăn nuôi lợn đen, khi được đầu tư tiến bộ của chương trình sẽ giúp sản phẩm đầu ra có chất lượng tốt hơn” – bà Loan chia sẻ.
Theo bà Loan, tiêu chí quan trọng nhất là doanh nghiệp có trách nhiệm với đề tài nghiên cứu. Tức là, không đề tài nghiên cứu của nhà nước, doanh nghiệp vẫn làm, nếu có sự chung tay hỗ trợ của Sở, doanh nghiệp sẽ có đà để làm tốt hơn, thành công hơn.