Cả 4 dự án thuộc chương trình Nông thôn - Miền núi (NT-MN) trong năm 2017 mà Phú Thọ phê duyệt tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp như cây, con, chăn nuôi, nuôi cá lồng trên sông và vật liệu xây dựng như gạch không nung.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ Nguyễn Thủy Trọng cho biết, các dự án thuộc chương trình NT-MN thời gian qua đã khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế tiềm năng của tỉnh. Theo đó, chương trình đã chuyển giao được 30 công nghệ với gần 200 quy trình công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và bảo vệ môi trường, công nghệ vi sinh, bảo quản chế biến, công nghệ thông tin; đào tạo được 300 cán bộ kỹ thuật, tập huấn cho gần 8.000 lượt nông dân nắm vững các quy trình, tiến bộ kỹ thuật.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định song ông Trọng cho rằng, các dự án vẫn ở tình trạng manh mún. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, các dự án thuộc chương trình NT-MN giai đoạn 2016-2020 tập trung hướng tới là các doanh nghiệp vì khi doanh nghiệp tham gia thì việc ứng dụng quy mô sẽ lớn hơn, việc ứng dụng khoa học và công nghệ sẽ thuận lợi hơn.

Năm 2016, Phú Thọ được duyệt 3 dự án thuộc chương trình NT-MN, 2017 là 4 dự án, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp như cây, con, chăn nuôi, nuôi cá lồng trên sông và vật liệu xây dựng như gạch không nung.

Bưởi diễn được quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại nhiều địa phương ở Phú Thọ. Ảnh: Thế Lượng
Bưởi diễn được quy hoạch thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại nhiều địa phương ở Phú Thọ. Ảnh: Thế Lượng

Đối với lĩnh vực trồng trọt, nổi bật có các dự án trồng bưởi diễn, bởi theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi diễn khá cao so với cây trồng khác, đồng thời thích nghi với điều kiện đất ở nhiều địa phương của Phú Thọ. “Song để tránh việc trồng dàn trải, không đem lại hiệu quả, các địa phương cần phải phát triển cây bưởi diễn thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho nguồn thu nhập ổn định” - ông Trọng nhấn mạnh.

Ví dụ như đề án xây dựng và phát triển cây bưởi diễn ở huyện Tam Nông đến năm 2020 với tổng diện tích trên 160ha. Theo đó diện tích trồng bưởi sẽ tập trung ở 8 xã là Hương Nộn, Thượng Nông, Tề Lê, Quang Húc, Dị Nậu, Thộ Văn, Tứ Mỹ và Dậu Dương. Đề án đã xây dựng vùng trồng bưởi theo quy mô tập trung, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng kênh thông tin, dự báo thị trường; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để đảm bảo phát triển bền vững…


Trong lĩnh vực vật liệu mới và bảo vệ môi trường, thời gian tới, Phú Thọ sẽ tiếp tục hoàn thành các dự án đầu tư cơ sở sản xuất gạch bêtông khí chưng áp, công suất đầu tư 20-30trv (QTC)/năm tại huyện Thanh Thủy; cơ sở sản xuất gạch bêtông bọt, công suất đầu tư 25trv (QTC)/năm tại thị xã Phú Thọ; 1 cơ sở sản xuất gạch bêtông cốt liệu, công suất đầu tư 15trv (QTC)/năm tại huyện Yên Lập... Đồng thời mở rộng quy mô đầu tư, nâng công suất đầu tư, đảm bảo cho thị trường về chủng loại cũng như về sản lượng.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay khi chuyển các dự án cho doanh nghiệp thực hiện chính là việc tích tụ đất đai và để khắc phục điều này, theo ông Trọng, UBND các huyện, xã đã hỗ trợ dồn đất tích tụ, sau đó cho doanh nghiệp thuê thuê, hoặc những vùng đất sâu, trũng kém hiệu quả, nông dân không mặn mà sản xuất thì tích tụ lại để chuyển đổi để nuôi trồng thủy sản”.